Tuần sanFlowchart: Document: Số 
126
02/03/2008
TIN VUI

  

 

 

 

 

 

 

 

 

www.tinvui.org
bantreconggiao@yahoo.com

  

 

 


 

Mục Lục

Chúa Nhật IV Mùa Chay A.

Bước đi như con cái ánh sáng.

Khả năng cảm nghiệm..

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi chấm dứt cấm vận Cuba.

Hội Đồng Giám Mục Phi họp khẩn cấp về tình hình đất nước.

Úc giúp 76 triệu cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney.

Đức Thánh Cha trao thư về giáo dục cho Giáo Phận Roma.

Vatican Bổ Nhiệm 4 Đại Biểu Tham Dự Thượng Hội Đồng Giám Mục.

THAY ĐỔI NGÀY LỄ THÁNH GIUSE VÀ LỄ TRUYỀN TIN NĂM 2008.

Nói chuyện với ĐGM Lộ Đức : vị trí của các nơi thánh địa trong việc truyền giáo 

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI GỬI CHO GIÁO DÂN THÀNH RÔMA VỀ GIÁO DỤC.

Chủng Sinh Ðại Chủng Viện Hà Nội đến với những Gia Ðình Nghèo khu bãi giữa Sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên Hà Nội.

Khóa bồi dưỡng thần học và tu đức liên dòng nữ Miền Bắc.

Giá trị Lịch sử và Pháp lý liên quan tới quyền sở hữu bất động sản của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, THỂ CHẤT - TRI THỨC - TÂM LINH.

KHI THÁNH ĐƯỜNG HOÀNH TRÁNG – LƯỢNG GIÁO DÂN DỰ LỄ GIẢM..

Lạy Chúa, xin mở mắt con!

Người tôi trung đau khổ.

GHEN TỊ.

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG.

BÀI II.

TƯƠNG QUAN VỚI BẢN THÂN..

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG HÔN NHÂN..

NHÀ TÔI.

DẤU CHÂN CỦA THẦY.

 

            SỐNG LỜI CHÚA

 

Chúa Nhật IV Mùa Chay A

PHÚC ÂM: Ga 9, 1-41

"Hắn đi rửa, rồi trở lại trông thấy rõ".

Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan.

Khi ấy, Chúa Giêsu đi qua, thấy một người mù từ khi mới sinh. Môn đệ hỏi Người: "Thưa Thầy, ai đã phạm tội, anh này hay cha mẹ anh, khiến anh mù từ khi mới sinh?" Chúa Giêsu đáp: "Không phải anh cũng chẳng phải cha mẹ anh đã phạm tội, nhưng để công việc của Thiên Chúa tỏ ra nơi anh. Bao lâu còn ban ngày, Ta phải làm những việc của Đấng đã sai Ta. Đêm đến không ai có thể làm việc được nữa. Bao lâu Ta còn ở thế gian, Ta là sự sáng thế gian". Nói xong, Người nhổ xuống đất, lấy nước miếng trộn thành bùn, rồi xoa bùn trên mắt người ấy và bảo: "Anh hãy đến hồ Silôê mà rửa" (chữ Silôê có nghĩa là được sai). Anh ta ra đi và rửa, rồi trở lại thì trông thấy được.

Những người láng giềng và những kẻ xưa kia từng thấy anh ta ăn xin đều nói: "Đó chẳng phải là người vẫn ngồi ăn xin sao?" Có kẻ nói: "Đúng hắn!" Lại có người bảo: "Không phải, nhưng là một người giống hắn". Còn anh ta thì nói: "Chính tôi đây". Họ hỏi anh: "Làm thế nào mắt anh được sáng?" Anh ta nói: "Người mà thiên hạ gọi là Giêsu đã làm bùn xức mắt tôi và bảo: Ngươi hãy đến hồ Silôê mà rửa. Bấy giờ tôi đi, tôi rửa và tôi trông thấy". Họ lại hỏi: "Ngài ở đâu?" Anh thưa: "Tôi không biết".

Họ liền dẫn người trước kia bị mù đến với những người biệt phái, lý do tại Chúa Giêsu hoà bùn và chữa mắt cho anh ta lại nhằm ngày Sabbat. Các người biệt phái cũng hỏi anh ta do đâu được sáng mắt? Anh đáp: "Ngài đã xoa bùn vào mắt tôi, tôi đi rửa và tôi được sáng mắt". Mấy người biệt phái nói: "Người đó không phải bởi Thiên Chúa, vì không giữ ngày Sabbat". Mấy kẻ khác lại rằng: "Làm sao một người tội lỗi lại làm được những phép lạ thể ấy?" Họ bất đồng ý kiến với nhau. Họ liền quay lại hỏi người mù lần nữa: "Còn anh, anh nói gì về người đã mở mắt cho anh?" Anh đáp: "Đó là một tiên tri".

Nhưng người Do-thái không muốn tin anh đã mù và đã được khỏi trước khi đòi cha mẹ anh đến. Họ hỏi hai ông bà: "Người này có phải là con hai ông bà mà ông bà bảo bị mù từ khi mới sinh không? Do đâu mà bây giờ nó lại trông thấy?" Cha mẹ y thưa rằng: "Chúng tôi xác nhận đây chính là con chúng tôi, và nó đã bị mù từ khi mới sinh. Nhưng làm sao mà bây giờ nó trông thấy, và ai đã mở mắt cho nó thì chúng tôi không biết. Nó khôn lớn rồi, các ông hãy hỏi nó, nó sẽ tự thưa lấy". Cha mẹ anh ta nói thế bởi sợ người Do-thái, vì người Do-thái đã bàn định trục xuất khỏi hội đường bất cứ ai dám công nhận Chúa Giêsu là Đấng Kitô. Chính vì lý do này mà cha mẹ anh ta nói: "Nó khôn lớn rồi, xin các ông cứ hỏi nó".

Lúc ấy người Do-thái lại gọi người trước kia đã mù đến và bảo: "Anh hãy tôn vinh Thiên Chúa! Phần chúng ta, chúng ta biết người đó là một kẻ tội lỗi". Anh ta trả lời: "Nếu đó là một người tội lỗi, tôi không biết; tôi chỉ biết một điều: trước đây tôi mù và bây giờ tôi trông thấy". Họ hỏi anh: "Người đó đã làm gì cho anh? Người đó đã mở mắt anh thế nào?" Anh thưa: "Tôi đã nói và các ông đã nghe, các ông còn muốn nghe gì nữa? Hay là các ông cũng muốn làm môn đệ Ngài chăng?" Họ liền nguyền rủa anh ta và bảo: "Mày hãy làm môn đệ của người đó đi, còn chúng ta, chúng ta là môn đệ của Môsê. Chúng ta biết Thiên Chúa đã nói với Môsê, còn người đó chúng ta không biết bởi đâu mà đến". Anh đáp: "Đó mới thật là điều lạ: người đó đã mở mắt cho tôi, thế mà các ông không biết người đó bởi đâu. Nhưng chúng ta biết rằng Thiên Chúa không nghe lời những kẻ tội lỗi, mà hễ ai kính sợ Thiên Chúa và làm theo ý Chúa, thì kẻ đó mới được Chúa nghe lời. Xưa nay chưa từng nghe nói có ai đã mở mắt người mù từ khi mới sinh. Nếu người đó không bởi Thiên Chúa thì đã không làm được gì". Họ bảo anh ta: "Mày sinh ra trong tội mà mày dám dạy chúng ta ư?" Rồi họ đuổi anh ta ra ngoài.

Chúa Giêsu hay tin họ đuổi anh ta ra ngoài, nên khi gặp anh, Người liền bảo: "Anh có tin Con Thiên Chúa không?" Anh thưa: "Thưa Ngài, nhưng Người là ai để tôi tin Người?" Chúa Giêsu đáp: "Anh đang nhìn thấy Người và chính Người đang nói với anh". Anh ta liền nói: "Lạy Ngài, tôi tin", và anh ta sấp mình thờ lạy Người. Chúa Giêsu liền nói: "Chính vì để luận xét mà Ta đã đến thế gian hầu những kẻ không xem thấy, thì được xem thấy, và những kẻ xem thấy, sẽ trở nên mù". Những người biệt phái có mặt ở đó liền nói với Người: "Thế ra chúng tôi mù cả ư?" Chúa Giêsu đáp: "Nếu các ngươi mù, thì các ngươi đã không mắc tội; nhưng các ngươi nói 'Chúng tôi xem thấy', nên tội các ngươi vẫn còn". Đó là lời Chúa.

Bước đi như con cái ánh sáng

 

Bảy dấu lạ trong Tin Mừng Gio-an được chọn lựa để diễn tả những đặc điểm thuộc căn tính của Chúa Giê-su.  Bài Tin Mừng tuần trước kể lại truyện Chúa Giê-su đàm thoại với người phụ nữ Sa-ma-ri là đề tài cuộc sát hạch dự tòng lần thứ nhất.  Giáo Hội sử dụng hai trong bảy dấu lạ của Tin Mừng Gio-an cho hai cuộc sát hạch dự tòng vào Chúa Nhật IV và V mùa Chay:  Chúa Giê-su chữa người mù từ thuở mới sinh và Chúa cho anh La-da-rô sống lại.  Người dự tòng phải vững tin Chúa Giê-su là ánh sáng chiếu soi đời họ và Người cũng chính là sự sống lại và sự sống đời đời.  Chủ đề Chúa Giê-su là ánh sáng rất thích hợp cho mùa Chay của ta, để nhờ ánh sáng đức tin ta nhìn mọi sự theo lăng kính giá trị Tin Mừng và bước đi trong ánh sáng của Người.

1.  Quan điểm của Thiên Chúa khác với quan điểm loài người (bài đọc Cựu Ước – 1 Sm 16:1b,6-7,10-13a)

            Mỗi người nhìn cuộc sống hoặc những gì chung quanh theo một cái nhìn riêng.  Nếu cái nhìn của ta đã khác nhau như vậy thì cái nhìn của Thiên Chúa càng khác xa hơn nữa, bởi vì “Thiên Chúa không nhìn theo kiểu người phàm:  người phàm chỉ thấy điều mắt thấy, còn Đức Chúa thì thấy tận đáy lòng” (1 Sm 16:7).

            Câu truyện về khác biệt quan điểm trong bài đọc thứ nhất đã nói lên chân lý trênThiên Chúa trao cho ngôn sứ Sa-mu-en sứ mệnh đi xức dầu phong vương cho cậu Đa-vít.  Cậu là con trai út của ông Gie-sê.  “Cậu có mái tóc hung, đôi mắt đẹp và khuôn mặt xinh xắn”.  Với ngoại hình ấy, so với bảy người anh và theo nhận xét của Sa-mu-en, cậu không có dáng vẻ của một tay lãnh đạo tài giỏi.  Vị ngôn sứ vẫn ngồi đấy, ngần ngại không biết phải tính sao.  Nhưng khi người nhà đưa Đa-vít từ ngoài đồng về và dẫn tới trước mặt ngôn sứ, Thiên Chúa bảo ông:  “Đứng dậy, xức dầu tấn phong nó đi!  Chính nó đó!”  Ông Sa-mu-en đã làm theo lời Chúa dạy, và “từ ngày đó trở đi, thần khí Đức Chúa nhập vào Đa-vít”.

            Vậy tại sao Thiên Chúa đã tuyển chọn Đa-vít?  Tại vì Người thấy Đa-vít tận đáy lòng.  Thiên Chúa thấy được những đức tính tàng ẩn và chưa phát triển nơi con người cậu Đa-vít.  Người muốn đặt một vị mục tử cho dân Người chứ không phải một ông vua như các ông vua láng giềng Ít-ra-en.  Do đó người lãnh đạo Ít-ra-en cần những đức tính về cả hai phương diện tài giỏi và đạo đức.  Có nhiều điều Thiên Chúa muốn thực hiện cho Ít-ra-en, nhưng điều kiện là người lãnh đạo phải là người trung thành với Thiên Chúa.  Chính vì bất trung nên Sa-un, được Sa-mu-en xức dầu làm vua thứ nhất của Ít-ra-en, đã bị Thiên Chúa phế bỏ.  Còn Đa-vít, ông vua thứ hai, nổi bật về lòng trung thành đối với Thiên Chúa.  Ông hoàn tất cuộc chinh phục ngoại bang để mở mang bờ cõi và loại trừ mối đe dọa của dân Phi-li-tinh, lập Giê-ru-sa-lem làm thủ đô và rước Hòm Bia Giao Ước về đấy.  Mặc dù Đa-vít vẫn là con người yếu đuối sa ngã, nhưng ông đã thật lòng thống hối và được Thiên Chúa hứa ban Đấng Cứu Độ sẽ sinh ra từ dòng dõi ông.

            Nhìn và sống theo quan điểm của Thiên Chúa chính là lời kêu gọi ta hãy nên hoàn thiện hoặc nhân từ như Cha trên trời (Mt 5:48; Lc 6:36).  Mẫu gương nhìn và sống quan điểm của Thiên Chúa không ai khác ngoài Chúa Giê-su.  Khi ông Phê-rô nài nỉ Chúa đừng chấp nhận cuộc Thương khó, Người đã thẳng thắn sửa sai ông:  “Xa-tan, lui lại đằng sau Thầy!  Anh cản lối Thầy, vì tư tưởng của anh không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người” (Mt 16:23).  Ta cứ nghe những lời giảng của Người sẽ gặp thấy không biết bao nhiêu lần Người trình bày quan điểm của Thiên Chúa.  Cụm từ “như Cha anh em ở trên trời…” là lối Người trình bày quan điểm của Thiên Chúa.  Người không trình bày suông, mà còn thể hiện quan điểm ấy trọn vẹn trong cuộc sống nữa.  Ta hãy lấy một thí dụ:  Người dạy ta phải thương yêu kẻ thù “như Cha anh em, Đấng ngự trên trời, vì Người cho mặt trời của Người mọc lên soi sáng kẻ xấu cũng như người tốt, và cho mưa xuống trên người công chính cũng như kẻ bất chính” (Mt 5:45).  Đến lượt Chúa Giê-su, trên thập giá Người đã tha thứ cho những kẻ thù của Người (Lc 23:34).

2.  Chúa Giê-su mở con mắt mù lòa của ta để ta được làm con cái sự sáng (bài Tin Mừng – Ga 9:1-41)

            Muốn làm con cái Chúa và đi theo đường của Chúa, ta phải sống theo quan điểm của Chúa.  Còn nếu cứ sống theo quan điểm loài người, ta sẽ là kẻ mù lòa thiêng liêng.  Người dự tòng là người chuẩn bị làm con cái Chúa và sống đời sống mới của con cái sự sáng.  Do đó, trong cuộc sát hạch lần thứ hai, họ sẽ tuyên xưng đức tin vào Chúa Ki-tô là ánh sáng trần gian.  Dấu lạ Chúa Giê-su chữa lành người mù từ thuở mới sinh nói lên danh hiệu này của Chúa Giê-su.  Câu truyện thánh Gio-an kể rất là sống động với những chi tiết và đối thoại thích thú.  Thánh sử lấy phép lạ này như dấu chỉ nói lên phẩm tính của Chúa là ánh sáng (Ga 9:5).  Nhưng những câu trả lời khôn ngoan và đanh thép của anh mù trước những hạch hỏi của đám Pha-ri-sêu còn cho ta thấy một sự thật mỉa mai và đáng buồn, như Chúa đã khẳng định:  “Tôi đến thế gian này chính là để xét xử:  cho người không xem thấy được thấy và kẻ xem thấy lại nên đui mù” (Ga 9:39).

            Thực vậy, anh mù bẩm sinh đã không nhìn thấy Chúa trước khi được chữa lành.  Mà ngay sau khi đi rửa mắt ở hồ Si-lô-ác và được nhìn thấy, anh cũng chưa được gặp mặt Chúa Giê-su.  Mãi tới khi anh bị đám Pha-ri-sêu trục xuất, anh mới được gặp Người.  Vậy trong khoảng thời gian từ sau khi được lành mắt cho đến lúc được gặp Chúa Giê-su, anh đã trải qua một hành trình đi tìm căn tính của Người.  Giống như cấu trúc câu truyện Chúa Giê-su gặp người phụ nữ Sa-ma-ri, bài Tin Mừng hôm nay cũng là câu truyện nhận biết căn tính, căn tính của anh mù và căn tính của Chúa.  Trước hết, anh mù bẩm sinh phản bác lại những kẻ không tin anh chính là tên mù ăn xin vẫn ngồi ở cổng Đền thờ.  Anh quả quyết:  “Chính tôi đây!”  Sau đó, cha mẹ anh được người Pha-ri-sêu gọi đến, ông bà cũng xác nhận: “Chúng tôi biết nó là con chúng tôi, nó bị mù từ khi mới sinh… Xin các ông cứ hỏi nó; nó đã khôn lớn rồi, nó có thể tự khai được” (Ga 9:18-19).  Sự thẳng thắn và khiêm tốn nhận mình là kẻ mù lòa của anh ngược hẳn với thái độ cao ngạo của đám Pha-ri-sêu, họ chửi rủa anh ta:  “Mày sinh ra tội lỗi ngập đầu, thế mà mày lại muốn làm thầy chúng ta ư?” (Ga 9:34, xem Ga 9:2).

            Đi tìm biết xem Chúa Giê-su là ai, đó là đề tài câu truyện.  Người Pha-ri-sêu hạch hỏi anh mù ai đã chữa lành cho anh.  Trước tiên, anh trả lời chỉ biết có “một người tên là Giê-su” đã trộn bùn bôi vào mắt anh và sai anh đi rửa ở hồ Si-lô-ác.  Sau đó, khi người ta tranh luận với nhau về hành động Chúa Giê-su trộn bùn vào ngày sa-bát (theo Lề Luật, người ta không được phép trộn bùn vào ngày sa-bát) và hỏi ý kiến anh mù, thì anh phát biểu:  “Người là một vị ngôn sứ” (Ga 9:17).  Giống hệt như câu truyện người phụ nữ Sa-ma-ri (Ga 4:19)!  Bị hạch hỏi lần thứ hai, anh trả lời đanh thép, chống lại lời kết án của người Pha-ri-sêu cho Chúa Giê-su là “người tội lỗi”.  Anh lý giải:  “Xưa nay chưa hề nghe nói có ai đã mở mắt cho người mù từ lúc mới sinh.  Nếu không phải là người bởi Thiên Chúa mà đến, thì ông ta đã chẳng làm được gì” (Ga 9:33).  Sau cùng khi nghe tin anh bị trục xuất, Chúa Giê-su đến gặp anh, Người hỏi anh:  “Anh có tin vào Con Người không?” và cho anh biết Người chính là Đấng ấy, thì anh đã tuyên xưng đức tin:  “Thưa Ngài, tôi tin”.  Và anh sấp mình xuống trước mặt Người.  Sấp mình trước mặt Chúa là cử chỉ của kẻ thờ phượng Thiên Chúa (Lc 5:8).

3.  “Xưa anh em là bóng tối, nhưng bây giờ, trong Chúa, anh em lại là ánh sáng” (bài đọc Tân Ước – Ep 5:8-14)

            Câu truyện Tin Mừng nói lên Chúa Giê-su là ánh sáng thế gian.  Tuy nhiên hình ảnh anh mù được mở mắt cũng mang ý nghĩa đặc biệt đối với ta, những người đã được mở con mắt thiêng liêng làm con cái Chúa và nhìn mọi sự theo quan điểm của Chúa.  Căn bệnh mù lòa thiêng liêng vẫn có thể trở lại với ta nhiều lần, do đó ta luôn luôn cần được Chúa chữa lành.  Thánh Phao-lô cho ta một lời khuyên thực tế:  “Anh em hãy ăn ở như con cái ánh sáng” (Ep 5:8).

            Ánh sáng Tin Mừng giúp ta nhìn rõ và phân định điều tốt điều xấu.  Phân định là việc Ki-tô hữu luôn phải làm trong cuộc sống, từ điều nhỏ nhặt trong ngày cho đến những quyết định quan trọng như chọn lựa bậc sống hay nghề nghiệp.  Để phân định cho đúng, ta cần biết rõ đâu là quan điểm của Thiên Chúa và đâu là quan điểm của thế gian, đâu là tư tưởng của Thiên Chúa và đâu là tư tưởng của loài người.  Học hỏi Lời Chúa, nhất là Tin Mừng, sẽ giúp ta biết và làm quen với cái nhìn của Chúa Giê-su.  Lời thư thánh Phao-lô nói lên thực tại ta được làm con cái sự sáng.  Tuy nhiên lời thư lại như đặc biệt hướng về những người mù lòa thiêng liêng hoặc “còn đang ngủ mê”, kêu gọi họ hãy mở mắt và tỉnh dậy, nhất là hãy luôn hướng về Chúa Ki-tô là sự sáng trần gian.  Nếu ta ở trong Chúa là nguồn sáng, ta sẽ có ánh sáng của Người (Ga 8:12), và hơn thế nữa ta cũng sẽ là ánh sáng của Người, nhờ đó những người chung quanh sẽ nhận ra được dung mạo của Chúa Ki-tô qua đời sống của ta.

4.  Sống Lời Chúa

            Các bài đọc hôm nay phù hợp với nhau và đưa ta đến một hướng đi rõ ràng, đó là ta phải sống và bước đi như con cái ánh sáng.  Nhờ Chúa Ki-tô là ánh sáng, ta được “thấy” Thiên Chúa là Đấng nào và cũng “thấy” được ta là ai.  Nếu ta thấy được Thiên Chúa yêu thương ta dường nào, ta sẽ cố gắng đáp lại tình yêu đó.  Nếu ta thấy ta chưa sống như con cái Chúa, ta sẽ cố gắng sửa đổi, nhất là trong mùa Chay này.

Suy nghĩ:  Thánh Phao-lô đưa ra một đề nghị thực tế để tôi sống như con cái ánh sáng.  Ngài nói:  “Đừng cộng tác vào những việc vô ích của con cái bóng tối, phải vạch trần những việc ấy ra mới đúng”.  Vậy “những việc vô ích của con cái bóng tối” mà tôi đang cộng tác là những việc gì?  Tôi phải vạch trần những việc ấy ra bằng cách nào?

Cầu nguyện:   Lạy Chúa là ánh sáng muôn đời chiếu soi mọi người sinh ra trong trần thế, xin rộng ban ân sủng làm cho tâm hồn chúng con được bừng sáng huy hoàng, để chúng con hằng biết suy tưởng những điều đẹp lòng Chúa, và chân thành yêu mến Chúa mỗi ngày một hơn.  Chúng con cầu xin, nhờ Đức Ki-tô là ánh sáng chiếu soi muôn đời.  A-men.  (Lời nguyện hiệp lễ, Chúa Nhật IV mùa Chay).

Lm. Đaminh Trần Đình Nhi

Giáo phận Đà lạt

Mục lục

 

 

            TU ĐỨC

Khả năng cảm nghiệm

 

Mùa Chay là thời gian hồi tâm.

Tôi thấy mình có nhiều lầm lỗi phải ăn năn.

Tôi nhận ra mình có nhiều thua kém phải tự hạ.

Tôi nhớ lại nhiều nhận lãnh phải tạ ơn.

Tôi nhìn thấy nhiều bài học phải tiếp tục học.


Mùa Chay của tuổi 82 này dẫn tôi vào nội tâm sâu hơn. Tôi tự hỏi:

Với tuổi này, tôi có thể lớn thêm hơn về chiều kích thiêng liêng không?

Tôi có thể sống thực hơn với một đức tin vượt trên những vẻ bề ngoài không?

Tôi có thể cho đi những gì là tốt hơn không?

Những câu hỏi trên đây được đặt ra cho riêng bản thân tôi, cho riêng chặng đường lịch sử hiện tại của tôi, cho riêng ơn gọi lúc này của tôi.

Dưới đây là vài chia sẻ cụ thể.

1/ Cần giữ mãi được khả năng cảm nghiệm nhạy bén những gì là chân thiện mỹ

Càng đi xa vào tuổi tác và vào lịch sử, tôi càng thấy mỗi tuổi có những vẻ đẹp riêng, mỗi chặng đường lịch sử có những giá trị riêng. Tôi thấy được những cái đẹp đó, những cái tốt đó, không phải do sách vở nào, do thầy nào đã dạy, nhưng do khám phá. Khám phá này là một gặp gỡ nội tâm. Nội tâm có một cảm quan riêng hướng về chân thiện mỹ. Khi cảm quan này giữ được sự khao khát khách quan và mãnh liệt, nó sẽ rung động trước những xuất hiện của mọi chân thiện mỹ bất cứ dưới hình thức nào.

Thí dụ một lời trong Kinh Thánh: "Con hãy thảo kính cha con và mẹ con, để được sống lâu trên mặt đất" (Xh 20,12).

Khi còn trẻ, tôi đọc lời khuyên dạy đó với lòng vâng phục Kinh Thánh. Nhưng nay đã già, tôi đọc lời đó với cả một kinh nghiệm sống động của người cha tuổi già về hưu.

Bây giờ, tôi mới thấy rằng: Để thảo kính cha mẹ, nhất là cha mẹ già bệnh tật, người con không những phải vận dụng tình cảm tự nhiên, mà còn phải nhờ ơn Chúa. Bởi vì người cha tuổi già bệnh tật thường có những lẩm cẩm, những thất thường, những yếu đuối. Các ngài cần được thông cảm và tha thứ. Những người con thảo cảm nghiệm điều đó. Nhờ vậy, cha mẹ mới được sống lâu hạnh phúc với con cháu.

Như thế, cả con cả cha đều cần có những cảm nghiệm cần thiết.

Tói đây, tôi xin nói tiếp là: Khả năng cảm nghiệm chân thiện mỹ không những cần nhạy bén, mà cũng rất cần trưởng thành, biết phân định cái gì là chân thiện mỹ thuộc dạng nào, có hợp cho ơn gọi của mình hay không.

Để được thế, con người rất cần được giáo dục về tự do nội tâm.

2/ Cần một khả năng cảm nghiệm được giáo dục về trưởng thành trong phân định

Cảm nghiệm nhạy bén là điều tốt. Nhưng cảm nghiệm trưởng thành về phân định là điều rất cần.

Một người không còn biết rung động với chân thiện mỹ sẽ rơi vào một cõi chết vô hình. Nhưng một người không biết phân định về những gì mình cảm thấy, sẽ dễ mù quáng trong phán đoán chọn lựa.

Kinh Thánh nói: "Về mặt phán đoán thì phải là người trưởng thành" (1 Cr 14, 20).

Theo tôi, để trưởng thành trong phán đoán, con người cần có một sự tự do nội tâm thực sự. Sự tự do nội tâm thực sự sẽ có được, nhờ giáo dục nhân bản và Kitô giáo.

Mỗi người sẽ là chính mình và mang Đức Kitô. Điều nên làm là mỗi người biết dùng sự tự do của mình. Một tự do biết trách nhiệm. Biết tự chọn với sự tự do trưởng thành là điều rất cần. Cho dù hậu quả của nó đôi khi sẽ là cái bóng đen không tách rời bản thân mình, nhưng bản thân mình vẫn chấp nhận nó một cách lương thiện, và nhờ đó biết phấn đấu với chính mình.

Tất cả những giáo dục trên sẽ chuẩn bị, để con người biết lắng nghe Chúa Thánh Thần. Chúa Thánh Thần sẽ ban cho ta ơn kiên nhẫn với chính mình, ơn mở rộng lòng trí về phía sự thực, ơn biết luôn bắt đầu lại, để đi theo ý Chúa, một ý Chúa không luôn hợp với ý ta.

Chúa Thánh Thần soi sáng bên trong ta, nhưng Người không chuẩn chước cho ta học hỏi từ kinh nghiệm của ta và của những người khác.

3/ Cần một khả năng cảm nghiệm sáng suốt

Người có khả năng cảm nghiệm nhạy bén và trưởng thành rất cần sáng suốt, nhất là về các lựa chọn.

Sáng suốt, vì họ luôn dựa trên nền tảng tu đức của Chúa Giêsu hiền lành và khiêm nhường, Đấng có sự sáng suốt khôn ngoan rất khác người đời.

Sáng suốt, ở chỗ họ biết đưa ra những lý do Phúc Âm giải thích cho lựa chọn của mình, trong tinh thần khiêm nhường, bác ái, tôn trọng sự thực.

Sáng suốt, vì họ biết: Trên đời, không lựa chọn nào là dễ dàng. Một vấn đề kéo theo nhiều vấn đề. Không được phép đơn giản hoá lựa chọn một cách ngây thơ.

Sáng suốt, vì họ khiêm tốn không dám quả quyết: Lựa chọn của mình phải thắng trên lý thuyết và trên thực tế. Thắng thua là việc phức tạp. Có thể thắng mà là thua, thua mà lại thắng.

Vì thế, dám nhận mình mang nhiều giới hạn, có thể không luôn sáng suốt, biết đâu cảm nghiệm đó lại rất là sáng suốt.

Tới đây, ta thấy: Chính nhờ Đức Kitô, cùng với Đức Kitô và trong Đức Kitô, mà ta sẽ có được khả năng cảm nghiệm sáng suốt của người môn đệ Chúa.

+ ĐGM JB Bùi Tuần

Mục lục

 

 

            HIỆP THÔNG GIÁO HỘI

 

Đức Hồng Y Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh kêu gọi chấm dứt cấm vận Cuba

 

Đức Hồng Y Tarcisio Bertone, Quốc Vụ Khanh Tòa Thánh, đã đưa ra lời kêu gọi Hoa Kỳ bỏ lệnh cấm vận Cuba và thúc giục Cuba hãy trả tự do cho tất cả các tù chính trị cũng như cải thiện tình trạng tự do dân chủ tại đảo quốc này. Tuyên bố của Đức Hồng Y Bertone đã được đưa ra trong cuộc họp báo ngày 24/2 với sự hiện diện bộ trưởng ngoại giao Cuba Felipe Perez Roque.


Dẫn lời Đức Cố Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đã nêu ra 10 năm trước, Đức Hồng Y Bertone nói rằng lệnh cấm vận Cuba là “không thể chấp nhận được về luân lý”. Ngài cho rằng tình trạng không có tự do mậu dịch trước hết “là một điều đè nặng lên người dân Cuba và nó không giúp họ dành lại được nhân phẩm và độc lập” khỏi sự lệ thuộc vào chính quyền.


Đức Hồng Y nói rằng việc trả tự do cho tất cả các tù chính trị là “một hành vi tích cực” của chính quyền. Ngài cho biết Tòa Thánh chưa đưa ra một thỉnh cầu chính thức cho Cuba về việc trả tự do cho tất cả các tù chính trị xét rằng chuyến viếng thăm của ngài đang xảy ra vào một “thời điểm ngoại thường” trong lịch sử của đất nước này khi ông Fidel Castro từ chức sau 49 năm cầm quyền.


Hôm thứ Ba 26/2, Đức Hồng Y Bertone đã có cuộc gặp gỡ với tân tổng thống Cuba là ông Raul Castro, người đã được Quốc Hội nước này bầu ra hai ngày trước đó. Đây là cuộc gặp gỡ đầu tiên của Raul Castro với một viên chức ngoại giao nước ngoài trong cương vị tổng thống.



Tháng Ba năm ngoái Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ đã thúc giục Quốc Hội bãi bỏ các hạn chế liên quan đến việc du lịch Cuba và khuyến khích các quan hệ giữa công dân hai nước.

 

Đức Cha Thomas Wenski, chủ tịch Ủy Ban Chính Sách Đối Ngoại hôm thứ hai 26/3 đã gởi một lá thư cho dân biểu Charles Rangel của New York bày tỏ sự hài lòng vì ông và các nhà làm luật đang bảo trợ cho một dự luật cho phép qua lại tự do giữa Hoa Kỳ và Cuba.


Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ “trong nhiều năm qua đã liên tục kêu gọi nới lỏng các cấm đoán chống lại Cuba. Những chính sách này phần lớn đã thất bại trong việc dành tự do, dân chủ và sự tôn trọng sinh mạng con người” tại Cuba.


Đức Cha Thomas Wenski viết tiếp: “Chúng tôi tiếp tục duy trì quan điểm theo đó sự cải thiện đời sống của người dân Cuba và khích lệ dân chủ tại Cuba sẽ tốt hơn là hạn chế sự giao tiếp giữa người dân Cuba và người dân Hoa Kỳ”.

 

Hội Đồng Giám Mục Phi họp khẩn cấp về tình hình đất nước

 

Hôm thứ Ba 26/2, Hội Đồng Giám Mục Phi đã có phiên họp khẩn cấp trong khi Phi đang trên bờ của cuộc khủng hoảng chính trị.


Tổng thống Gloria Macapagal Arroyo đang đối phó với những đòi hỏi ngày càng gia tăng buộc bà phải từ chức vì những cáo buộc rằng những thành viên trong chính phủ, kể cả chồng bà, nhận hối lộ và tham ô công qũy. Một số các Đức Giám Mục đã tham gia trong lời kêu gọi bà Arroyo từ chức. Tuy nhiên, Hội Đồng Giám Mục Phi giữ một thái độ tương đối ôn hòa hơn khi nói rằng chỉ có những vụ tham ô có bằng chứng hẳn hoi mới nên được công bố.


Cuối cuộc thảo luận, các Đức Giám Mục Phi đã yêu cầu bà Arroyo hãy tháo gỡ những hạn chế để ủy ban điều tra các cáo buộc có thể hoạt động được. Trong bản tuyên bố dài 2 trang, các Đức Giám Mục yêu cầu bà Arroyo để cho cho các nhân chứng được tự do trả lời trước tòa dù cho lời khai của họ “dính líu tới bất kể những ai

 

Mục lục

 

Úc giúp 76 triệu cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney

Các cơ quan công quyền Úc sẽ chi 76 triệu Úc Kim (70 triệu Mỹ Kim) cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney và chuyến thăm viếng của Đức Thánh Cha Bênêđíctô XVI.

Đài truyền hình số 7 cho biết liên bang sẽ đóng góp 35 triệu trong khi tiểu bang New South Wales sẽ đóng góp 4 triệu trong việc tài trợ trực tiếp cho việc tổ chức ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney. Những chi phí khác cho việc bảo đảm an ninh, điều hành lưu thông, cấp khoảng 500,000 visa và bồi thường thiệt hại cho những chủ nhân và những người sử dụng trường đua Randwick nơi buổi lễ diễn ra từ 15-20 tháng 7/2008.

Các viên chức chính phủ Úc không phàn nàn gì về chi phí cho ngày Quốc Tế Giới Trẻ. Họ hy vọng rằng làn sóng người trẻ vào Úc sẽ mang lại ít nhất 150 triệu tièn thu nhập trong các thương vụ của Úc và dễ dàng vượt qua con số phải chi ra.

Cũng nên nhắc lại, theo thỏa thuận đã đạt được giữa Bộ Di Trú Úc và ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ, tất cả những thanh niên tham dự Ngày Quốc Tế Giới Trẻ tại Sydney sẽ được miễn khỏi phải đóng tiền cấp visa và được cứu xét nhanh chóng nếu có giấy chứng nhận của vị Giám Mục địa phương nơi cư trú.

Úc là một trong những nước khó khăn về việc cấp thị thực nhập cảnh. Điều này đã là một trong những mối quan tâm của ban tổ chức Ngày Quốc Tế Giới Trẻ 2008. Tuy nhiên, với những thoả thuận gần đây, Úc đã tỏ ra rất rộng rãi đối với những tham dự viên Ngày Quốc Tế Giới Trẻ.

Muốn được cấp visa miễn phí và nhanh chóng, chỉ cần Đức Giám Mục bản quyền chứng nhận mình là người Công Giáo và có ý chân thành tham gia Ngày Quốc Tế Giới Trẻ. 

Mục lục

 

Đức Thánh Cha trao thư về giáo dục cho Giáo Phận Roma

 

Trưa ngày 23-2-2008, ĐTC Biển Đức 16 đã gặp gỡ 50 ngàn ngàn phụ huynh, giáo chức và học sinh Roma tại Quảng trường thánh Phêrô và ngài chính thức trao cho họ lá thư về công tác cấp thiết liên quan tới việc giáo dục.


Hiện diện tại buổi gặp gỡ còn có ĐHY Camillo Ruini, Giám quản Roma, cùng với công đảo các LM và tu sĩ nam nữ, dưới đầu trời nắng đẹp.


Sau lời chào mừng của ĐHY Ruini, và những bài phát biểu của các đại diện phụ huynh, giáo chức, giáo lý viên và học sinh, ĐTC đã ngỏ lời với mọi người, ghi ghi nhận những thách đố và chướng ngại làm cho công việc giáo dục ngày càng trở nên khó khăn và nói rằng:


”Chúng ta tập họp nơi đây vì được thúc đẩy bởi một mối quan tâm chung đối với thiện ích của các thế hệ trẻ, sự tăng trưởng và tương lai của con cái mà Chúa đã ban cho thành phố này. Chúng ta cũng được thúc đẩy vì một sự lo âu, nghĩa là nhận thấy có một điều mà chúng ta đã gọi là ”nhu cầu cấp thiết lớn lao về giáo dục”. Giáo dục không bao giờ là điều dễ dàng và ngày nay dường như nó càng trở nên khó khăn hơn: vì thế nhiều cha mẹ và giáo chức bị cám dỗ từ bỏ nghĩa vụ của mình và họ không còn hiểu được đâu là sứ mạng được ủy thác cho họ. Có quá nhiều điều bất bênh và nghi ngờ lan tràn trong xã hội và nền văn hóa chúng ta, có quá nhiều hình ảnh bị méo mó do các phương tiện truyền thông phổ biến. Vì vậy thật là khó đề nghị cho các thế hệ trẻ một cái gì có giá trị và chắc chắn, những qui luật cư xử và những mục tiêu đáng hiến cuộc sống mình để đạt tới. Nhưng hôm nay chúng ta cũng tập họp nhau nơi đây nhất là vì chúng ta cảm thấy được nâng đỡ nhờ một niềm hy vọng lớn lao và niềm tín thác mạnh mẽ: nghĩa là chúng ta được nâng đỡ nhờ một xác tín chắc chắn rằng tình yêu rõ ràng và chung kết mà Thiên Chúa đã biểu lộ cho gia đình nhân loại trong Đức Giêsu Kitô (cf 2 Cor 1,19-20) cũng có giá trị đối với các thanh thiếu niên của chúng ta, cũng như đối với các trẻ em hôm nay đang đối diện với cuộc sống. Vì thế, cả trong thời đại chúng ta ngày nay, giáo dục về sự thiện là điều có thể thực hiện được; đó là một sự say mê mà chúng ta phải mang trong con tim, và là công trình chung mà mỗi người chúng ta đều được mời gọi góp phần thực hiện”.


”Nói một cách cụ thể, chúng ta ở đây vì chúng ta muốn trả lời cho câu hỏi về giáo dục mà ngày nay các cha mẹ đang cảm thấy trong tâm hồn họ, lo lắng vì tương lai con cái, cũng như các giáo dục đang sống kinh nghiệm khủng hoảng học đường, các linh mục và giáo lý viên, biết qua kinh nghiệm, về sự khó khăn dường nào trong việc giáo dục về đức tin, và chính sách trẻ em, thiếu niên và người trẻ, không muốn để cho mình bị lẻ loi một mình trước những thách đố của cuộc sống.”


Đứng trước tình trạng đó, ĐTC kêu gọi các giáo chức và phụ huynh tiếp tục hy vọng và tín thác nơi Chúa. Ngài nói: ”Cả trong thời đại chúng ta ngày nay, giáo dục về sự thiện là điều có thể thực hiện được; đó là một sự say mê mà chúng ta phải mang trong con tim, và là công trình chung mối người chúng ta đều được mời gọi góp phần thực hiện”.


ĐTC đặc biệt kêu gọi các bậc cha mẹ tiếp tục ”kiên vững trong tình yêu thương lẫn nhau, và đó chính là món quà đầu tiên và lớn nhất mà con cái đang cần đến, để tăng trưởng trong sự thanh thản, thủ đắc được niềm tự tín và tin tưởng nơi cuộc sống, cũng như học cách thức có khả năng yêu thương chân thành và quảng đại. Tiếp đến, thiện ích mà anh chị em muốn trao cho con cái phải giúp anh chị em có một lối sống và lòng can đảm của một nhà giáo dục đích thực, với chứng tá cuộc sống phù hợp với điều mình dạy dỗ và có sự cương quyết cần thiết để giúp huấn luyện tính khí của các thế hệ trẻ”.


Với các giáo chức, ĐTC nhắc nhở họ rằng ”dạy dỗ có nghĩa là đáp ứng ước muốn hiểu biết vốn ở trong tâm hồn trẻ em và người trẻ. Nghĩa vụ của anh chị em không phải chỉ là thông truyền kiến thức, mà bỏ qua câu hỏi lớn liên quan đến sự thật, nhất là sự thật có thể hướng dẫn trong cuộc sống”.


Cuối cuộc gặp gỡ, ĐTC đã trao cho các đại diện giáo chức, phụ huynh và học sinh lá thư của ngài về nghĩa vụ cấp thiết trong công tác giáo dục, trình bày những chỉ dẫn, đơn sơ và cụ thể, cũng như những khía cạnh cơ bản và chung trong hoạt động giáo dục. Ví dụ, ĐTC nhận xét rằng ”tìm cách tránh cho người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau thương, đó là điều có nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu ớt, dòn mỏng và ít quảng đại, vì khả năng yêu thương tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ”. ĐTC cũng nói đến sự cần thiết phải tìm được sự quân bình giữa tự do và kỷ luật. Nếu không có qui luật trong việc cư xử và trong đời sống, thì người ta không huấn luyện tính tình người trẻ và không chuẩn bị chúng trong việc đương đầu với những thử thách trong tương lai”.


ĐTC kêu gọi các cha mẹ đừng bao giờ hỗ trợ con cái trong sai lầm, làm bộ như không thấy những sai lầm ấy, hoặc tệ hơn nữa lại chia sẻ những lầm lẫn đó, như thế đó là những biên cương mới trong sự tiến bộ của con người.. (SD 23-2-2008

                                  

Mục lục

 

Vatican Bổ Nhiệm 4 Đại Biểu Tham Dự Thượng Hội Đồng Giám Mục

Hoa Thịnh Đốn, 27/2/2008 - Đức Giáo Hoàng Benedict XVI thông qua việc lựa chọn các Giám Mục Hoa Kỳ làm đại biểu cho Thượng Hội Đồng Giám Mục tháng 10 về Lời Chúa.

Đức Giáo Hoàng bổ nhiệm Đức Hồng Y Francis George ở Chicago, Chủ Tịch Hội Đồng Giám Mục Hoa Kỳ; Đức Giám Mục Gerald Kicanas ở Tucson, Arizona, Phó Chủ Tịch Hội Đồng; Đức Hồng Y Daniel DiNardo ở Houston, Texas; và Đức Tổng Giám Mục Donald Wuerl ở Hoa Thịnh Đốn.

Đức Hồng Y Justin Rigali ở Philadelphia và Đức Giám Mục William Skylstad ở Spokane, Washington, được chỉ định là đại biểu trừ bị.

Thượng Hội Đồng Giám Mục lần thứ 12 sẽ được tổ chức từ ngày 5 đến ngày 26 tháng 10 tại Rôma với chủ đề: "Lời Chúa Trong Đời Sống và Sứ Mệnh Của Giáo Hội."

Các Giám Mục Hoa Kỳ đề cử các đại biểu này trong buổi họp khoáng đại vào Tháng 11 vừa qua.

Lá thư chấp thuận được Tổng Giám Mục Nikola Eterovic, thư ký của Thượng Hội Đồng Giám Mục gửi cho Đức Hồng Y Francis George vào đầu năm nay.  

THAY ĐỔI NGÀY LỄ THÁNH GIUSE VÀ LỄ TRUYỀN TIN NĂM 2008

Thánh Bộ Phụng tự và Kỳ luật Bí tích đã dời 2 ngày Lễ Thánh Giuse và Lễ Truyền Tin năm nay 2008 vì trùng hợp vào ngày Tuần Thánh và Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

Lễ trọng mừng kính Thánh Cả Giuse lui về thứ Bảy 15 tháng 3, thay vì 19 tháng 3 do sự trùng vào ngày Thứ Tư Tuần Thánh.

Lễ trọng Đức Mẹ Truyền Tin được dời tới thứ Hai 31 tháng 3, thay vì ngày 25 tháng 3 trùng vào thứ Ba Tuần Bát Nhật Phục Sinh.

Luật tổng quát của Năm và Lịch Phụng vụ qui định rằng việc cử hành các nghi thức Tuần Thánh, kể cả ngày Thứ Tư, và các ngày Tuần Bát Nhật Phục Sinh phải được đặt ưu tiên trước các phụng vụ, lễ kính và lễ trọng khác.

Thánh Bộ Phụng tự và Kỷ luật Bí tích

Mục lục

 

Nói chuyện với ĐGM Lộ Đức : vị trí của các nơi thánh địa trong việc truyền giáo

Rôma ngày 11/2/2008

 Cách đây 150 năm, Đức Mẹ Maria đã hiện ra lần đầu với thánh Bernadette Soubrious tại Lộ Đức. Để mừng kỷ niệm này trong năm thánh, 50 000 người hành hương trong đó có 26 giám mục và 800 linh mục đã cử hành thánh lễ tại Đền Đức Mẹ hiện ra. ĐC Perrier, giám mục địa phận Tarbes và Lộ Đức đã nó cuộc nói chuyện với Zenit.

 Zenit : Thưa ĐC Perrier, trong năm thánh đặc biệt quan trọng này cho địa phận của ngài, sứ điệp của ĐC cho những người tín hữu và những người hành hương là gì ?

ĐC Perrier : Nếu họ tới Lộ Đức thì họ sẽ được ân cần tiếp đón và chúng tôi sẽ đề nghị với họ một điều đơn giản là đi viếng bốn nơi : nơi thánh Bernadette đã lãnh phép thanh tẩy, nơi trú ngụ của ngài, rồi dĩ nhiên là thánh địa và chỗ mà bà thánh đã lãnh bí tích Thánh Thể lần đầu.

 Do đó sứ điệp là cho thấy hiện tượng những lần hiện ra nằm giữa đời sống Kitô giáo, đời sống Kitô giáo của thánh Bernadette và đời sống Kitô giáo của xứ đạo Lộ Đức. Vì thế phải cố gắng đặt sự hành hương trong một đời sống Kitô giáo bình thường, nghĩa là Thánh Thể, mặc dù hiện nay có ít linh mục hơn ngày xưa. Những người đến Lộ Đức có thể đi theo con đường này. Sứ điệp Lộ Đức không phải chủ yếu trong lời nói nhưng là một số những động tác, lời nói, cử chỉ để đi vào trong những lần hiện ra qua sự thăm viếng bốn nơi nói trên.

 Và cho những người không thể đến Lộ Đức thì có những phương tiện để hiệp thông từ xa, nhất là với mạng internet. Chúng tôi mong muốn rằng những người không có phương tiện thời gian, tài chánh hay lý do khác đề đến Lộ Đức cũng có thể sống tinh thần của năm thánh này.

 Zenit : Năm thánh này là cơ hội để đi trên con đường mà thánh Bernadette Soubrious đã đi qua và khám phá lại sứ điệp mà Đức Mẹ Đồng Trinh đã gửi tới qua thánh Bernadette. ĐC có thể nói cho chúng con về nội dung của sứ điệp này và nó ra sao hiện nay ?

 ĐC Perrier : Có nhiều khía cạnh trong sứ điệp này. Có khía cạnh thuần tuý Phúc Âm và luôn luôn có đó, nghĩa là Thiên Chúa chọn những người khiêm nhượng và những người nhỏ bé nhất, bởi vì thánh Bernadette là người không biết chữ, ngài thông minh nhưng mù chữ. Thánh nữ không biết đọc hay viết, ngài không đi học giáo lý và gia đình ngài bị khánh tận.

 Rồi có khía cạnh cầu nguyện : tất cả những lần hiện ra đã hoàn toàn xẩy ra trong bối cảnh của lời cầu nguyện.

Rồi cũng có khía cạnh của sự riêng tư, nghĩa là Đức Mẹ và thánh Bernadette nói chuyện vớí nhau và đôi khi các ngài không nói gì. Cuộc gặp gỡ diễn ra trong thinh lặng, 18 lần. Có một loại thông đồng thân mật giữa Bernadette và Bà Chúa. Và rồi có một điều gì đó còn lại. Những người đến Lộ Đức không sợ hãi gì. Chính vì thế mà có đông người. Mẹ như một người có thể nghe thấu hết và đón nhận hết.

 Và cũng đừng quên khía cạnh xám hối tội lỗi. Khía cạnh này không diễn ra lúc đầu hay lúc kết thúc trong những lần hiện ra, nó nằm ở giữa. Năm lần hiện ra đã rất chú trọng đến sự xám hối và là lúc mà nguồn suối nổi tiếng đã được khám phá ra.

 Và danh hiệu. Cuối cùng Đức Mẹ Đồng Trinh đã cho biết tên của ngài : Ta là Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội. Đó là sự trinh khiết vẹn toàn. Như quý vị thấy, có rất nhiều khía cạnh trong sứ điệp này. Và bởi vì có nhiều nên mỗi người có thể tìm ra cho mình một điều gì đó. Đó không phải là một sứ điệp mà người ta có thể tóm gọn trong một vài lời được lập đi lập lại. Sứ điệp bao gồm cả những cử chỉ, những thái độ và thời gian của quá khứ. Cũng như Phúa Âm, không chỉ là những lời mà Đức Kitô đã loan báo, nhưng bao hàm tất cả đời sống của Đức Kitô mà các Phúc Âm làm chứng cho chúng ta.

 Zenit : So với ngày xưa, đâu là những điều mà những người hành hương mong đợi khi đến Lộ Đức, thưa ĐC ?

 ĐC Perrier : Có hai câu trả lời. Câu trả lời thứ nhất là người ta không biết rõ lắm, bởi vì chúng tôi không hỏi họ những điều họ muốn. Họ không bị vây quanh bởi những câu hỏi, họ không bị phỏng vấn, họ không phải điền vào những mẫu đơn đầy câu hỏi. Chúng tôi không nói họ rằng nếu họ muốn điều này thì phải xếp hàng bên trái, còn muốn điều khác thì xếp hàng bên phải. Có một sự tự do tinh thần to lớn dành cho mỗi người. Do đó chúng tôi không làm việc điều tra ý kiến, chúng tôi không có mục tiêu như những người làm marketing.

 Còn về những điều thúc đẩy những người hành hương thì người ta có thể nghĩ đến một sự lâu bền cũng như một sự đổi mới. Hai đề tài đều có thể được biện minh. Tôi không chắc rằng những điều thúc đẩy ngày hôm nay khác xa với những điều thúc đẩy cách đây một thế kỷ như người ta có thể nghĩ. Thế giới đã thay đổi tất cả, nhưng tôi không chắc rằng tận sâu thẳm trong con tim của con người đã thay đổi, bởi vì người ta nhận thấy rằng những biểu tượng mang hy vọng cho những người hành hương thì cũng là một : tảng đá, đền hang đá, nước, ánh sáng. Cách đây 150 năm cũng thế. Điều này có nghĩa là những biểu tượng này đi sâu vào chốn sâu thẳm của con người.


Zenit : Khuôn mặt của người sùng đạo ngày hôm nay đã thay đổi, cách hành động của họ dường như đã biến đổi thành nội tâm và riêng tư hơn. Như thế họ có ảnh hưởng đến thái độ của những người hành hương trong cách thức biểu lộ yêu thích Lộ Đức của họ không, thưa ĐC ?

 ĐC Perrier : Sự hành hương trong Kitô giáo chưa bao giờ là một điều bắt buộc, do đó chúng ta không phải đối đầu với sự nhạt nhẽo của thế hệ hôm nay đối với những gì có tính cách bắt buộc. Tôi nghĩ rằng hành hương luôn luôn là điều tự nguyện của mỗi người. Vì thế tôi tin đó là điều tốt : tất cả những nơi hành hương trong các tôn giáo đều thu hút nhiều người hiện nay.

Đó vừa là điều tốt vừa là điều không tốt. Đó là điều tốt bởi vì nó cho phép chiều kích tinh thần này của con người biểu hiện chứ không hoàn toàn khép kín lại. Những chế độ độc tài luôn luôn tìm cách ngăn cấm những nơi hành hương. Xung quanh Czestochowa dưới chế độ cộng sản, không thể nào tìm ra một tấm bảng chỉ đường tới nơi này.

Do đó sự hành hương là điều tốt, nhưng nó chưa đủ, bởi vì người ta không thể xây dựng một đời sống Kitô giáo, đó là chưa kể đến đời sống đấu tranh hay dấn thân, chỉ dựa trên sự kiện đi hành hương đến một nơi thánh nào đó mấy năm một lần. Nhưng có còn hơn không. Do đó sự hành hương và những thánh địa có một chỗ đứng được nhìn nhận trong việc Phúc Âm hoá.

Zenit : Sự hành hương đã từ lâu được nhìn từ bên ngoài như một sự tìm kiếm phép lạ chữa lành bệnh tật. ĐC có nghĩ rằng ngày hôm nay vẫn là điều đó không ?

ĐC Perrier : Tôi tin rằng không ai tới ngay vì điều đó. Chắc chắn trong lịch sử của Lộ Đức, điều đó đã có một chỗ đứng quan trọng. Nhưng ngày hôm nay, tôi tin là người ta nói về sự chữa lành theo nhiều nghĩa của từ ngữ này. Điều đó có thể là một sự chữa lành của một quan hệ, một sự chữa lành tâm lý, một sự chữa lành thể xác, một sự chữa lành nội tâm. Rồi có sự hoà giải. Do đó đây là điều rất rộng mở. Từ ngữ chữa lành hiện nay có một mức rộng rãi lớn hơn là thể xác.

Zenit : Năm vừa qua, ĐC đã thẩm định cần phải xét lại vấn đề được chữa lành và những phép lạ liên quan đến Lộ Đức, định nghĩa những cách xem xét mới về những trường hợp được chữa lành. Tại sao đó là điều cần thiết thưa ĐC ?

ĐC Perrier : Bởi vì y khoa đã thay đổi rất nhiều và việc áp dụng những tiêu chuẩn truyền thống trở thành rất khó khăn. Người ta đi vào trong thời đại của thuyết xác suất. Người ta nói rằng đúng là có nhiều khả năng là người này đã bị bệnh này và có ít khả năng được chữa lành. Nhưng người ta hiếm khi nói với chúng ta rằng 100% là người này đã có bệnh này và rằng chắc chắc tuyệt đối là họ sẽ chết trong vòng ba ngày tới.

 Y khoa ngày hôm nay nói đến sự dự đoán đời sống. Trong khi những tiêu chuẩn bình thường bắt buộc phải nói một cách chính thức và tuyệt đối rằng « người này đã có bệnh này và không thể chữa khỏi ». Ngày hôm nay người ta không còn nói như thế nữa. Vì thế, không phải là thần học đã thay đổi nhưng là y khoa đã thay đổi.

 Zenit : Thưa ĐC, hiện nay ĐC có nhận được nhiều đơn xin chứng nhận phép lạ được chữa lành bệnh không ?

 ĐC Perrier : Hằng năm có khoảng 40 trường hợp được gửi tới văn phòng y tế, nhưng người ta biết là đây chỉ là một phần rất nhỏ trong những trường hợp được chữa lành hay được nhận ân sủng. Bởi vì rất nhiều người không biết là có thể xin chứng nhận như thế. Và trong số những người biết thì nhiều người không muốn biểu lộ. Xin biên bản nhìn nhận phép lạ là điều rất phức tạp cho nên họ không muốn xin.

Nên biết rằng điều đó phức tạp giống như án phong thánh vậy. Trái lại, chúng tôi nhận được rất nhiều chứng nhân từ xưa, những điều đã xẩy ra cách đây 50 năm.

Lộ Đức đã danh tiếng trên thế giới ngay từ lúc đầu. Điều này vẫn tiếp tục, do đó chúng ta hãy xử dụng những phương tiện hiện đại để mọi người có thể hiệp thông với hành động tạ ơn của chúng ta.

 Thông tấn Zenit

Theo www.simonhoadalat.com

Mục lục

 

 

THƯ CỦA ĐỨC THÁNH CHA BÊNÊĐICTÔ XVI GỬI CHO GIÁO DÂN THÀNH RÔMA VỀ GIÁO DỤC

“Mỗi người và mỗi thế hệ phải nhân danh chính mình mà tự quyết định”

Các tín hữu Rôma thân mến,

Tôi đã suy nghĩ để ngỏ lời với anh chị em qua lá thư này, đề cập đến một vấn đề mà chính anh chị em đang quan tâm và nhiều nơi khác trong Giáo Hội cũng đang nỗ lực dấn thân: đó là vấn đề giáo dục.

Tất cả chúng ta đều mong muốn điều tốt đẹp cho những người chúng ta yêu mến, đặc biệt là các trẻ em và thanh thiếu niên của chúng ta. Chúng ta biết rằng tương lai của thành phố này tuỳ thuộc nơi họ. Vì thế, chúng ta không thể không quan tâm đến việc đào tạo các thế hệ trẻ, chú ý đến khả năng định hướng của các em trong cuộc đời cũng như khả năng phân biệt thiện ác, và chú tâm đến sức khoẻ các em không chỉ về thể chất mà cả về tinh thần nữa.

Giáo dục vẫn không bao giờ là dễ dàng và ngày nay dường như càng ngày càng trở nên khó khăn hơn. Các cha mẹ, các nhà giáo, linh mục và tất cả những người lãnh trách nhiệm giáo dục trực tiếp đều biết rõ điều đó. Vì thế, người ta luôn nhắc đến “tính khẩn trương trong giáo dục”, được chứng thực qua bao thất bại diễn ra khi chúng ta nỗ lực huấn luyện những con người vững vàng, có khả năng cộng tác với những người khác và tìm được cho đời mình một ý nghĩa. Và rồi người ta thường quy trách nhiệm cho các thế hệ trẻ, như thể trẻ em sinh ra ngày nay khác với giới trẻ quá khứ. Ngoài ra, người ta còn nói đến “sự cách biệt giữa các thế hệ”, điều này chắc chắn là có thực và là mối bận tâm, nhưng nó là hậu quả chứ không phải là nguyên nhân, do bởi thiếu sự truyền đạt những điều vững chắc và các giá trị. Vậy thì chúng ta phải quy trách nhiệm cho những người lớn hôm nay là những người xem ra không còn khả năng giáo dục nữa hay sao? Một cách chung thì có một số phụ huynh, nhà giáo và nhà đào tạo bị cám dỗ mạnh mẽ muốn thoái thác- tuy nhiên cơ sự này do bởi mối nguy hại là không ý thức- vai trò, hay đúng hơn sứ mạng đã được trao phó cho họ. Thực tế, vấn đề ở đây không chỉ là trách nhiệm cá nhân của người lớn hay giới trẻ- trách nhiệm này vẫn phải có và không được che giấu- nhưng chính là một bầu khí gia tăng, một tâm thức và một hình thái văn hoá làm cho người ta nghi ngờ giá trị nhân vị, nghi ngờ chính ý nghĩa của sự thật và sự thiện, và xét cho cùng, người ta hoài nghi tính thiện hảo của sự sống. Vì thế, thật là khó chuyển đạt từ thế hệ này sang thế hệ khác một điều gì có giá trị và chắc chắn, những quy tắc ứng xử, những mục tiêu đáng tin cậy để quy hướng và xây dựng cuộc sống của mình.

Anh chị em ở Rôma thân mến, về điểm này, tôi muốn nói với anh chị em một lời rất đơn sơ: Đừng sợ! Thật vậy, tất cả những khó khăn ấy không phải là không thể vượt qua được. Có thể nói, chúng là mặt trái của một ơn ban lớn lao và cao quý là tự do của chúng ta, nhưng phải kèm theo trách nhiệm tương ứng. Khác với những gì xảy ra trong lãnh vực kĩ thuật và kinh tế, trong đó những tiến bộ hiện nay có thể xây  dựng trên những tiến bộ của quá khứ, còn trong lãnh vực đào tạo luân lí và thăng tiến con người, khả năng tích hợp như vậy là không thể được, bởi vì tự do của con người luôn luôn mới và vì thế mỗi người và mỗi thế hệ phải nhân danh chính mình mà tự quyết định. Cả những giá trị cao đẹp nhất trong quá khứ cũng không nên chỉ là lưu lại di sản. Chúng ta cần biến các di sản ấy thành của chính chúng ta và đổi mới  chúng qua một sự chọn lựa bản thân mà nhiều khi đòi nhiều hi sinh đau khổ.

Tuy nhiên, khi những nền tảng bị rung động và những xác tín nền tảng đang thiếu vắng thì nhu cầu cần có những giá trị ấy lại hiện ra, làm cho người ta cảm thấy bức xúc: vì thế, cụ thể là càng ngày người ta càng đòi hỏi một nền giáo dục xứng với danh nghĩa của nó. Các cha mẹ, thường bận tâm lo lắng về tương lai của con cái, đang đòi hỏi nền giáo dục ấy; nhiều nhà giáo đang nhận thấy sự sa sút nơi các trường của họ cũng yêu cầu nền giáo dục như vậy; xã hội xét như tổng thể đang chứng kiến nền tảng của cuộc sống chung bị đe doạ cũng cần nền giáo dục ấy; ngoài ra tự thâm tâm các thiếu niên và người trẻ, những người không muốn phải đơn phận đối phó với những thách đố của cuộc đời, cũng yêu cầu nền giáo dục đúng nghĩa như vậy. Tiếp đến, những ai tin nơi Chúa Giêsu Kitô thì càng có thêm một lí do mạnh mẽ hơn để không sợ hãi: thật vậy, họ biết rằng Thiên Chúa không bỏ rơi chúng ta, và tình yêu của Người đến với chúng ta tại chính nơi chúng ta đang sống, với những lầm than và yếu đuối của chúng ta, để mang lại cho chúng ta cơ hội mới để làm điều thiện.

Anh chị em thân mến, để cho những suy tư của tôi được cụ thể hơn, tôi muốn nêu rõ một số đòi hỏi chung để có một nền giáo dục chân chính. Nền giáo dục này trước tiên cần có sự gần gũi và tín nhiệm phát xuất từ tình yêu: tôi nghĩ đến kinh nghiệm đầu tiên và căn bản về tình yêu mà các trẻ em cảm nhận, hay ít nhất là phải cảm nhận từ cha mẹ của các em. Nhưng mỗi nhà giáo dục đích thực đều biết rằng để giáo dục thì phải trao hiến một cái gì đó từ chính bản thân mình và chỉ như thế mới có thể giúp các học sinh của mình khắc phục tính ích kỉ và trở thành người có khả năng yêu thương đích thực.

Ngay từ khi còn bé thơ, trẻ em đã có một ước muốn mạnh mẽ được biết và hiểu, biểu lộ qua những câu hỏi liên tục và yêu cầu được giải thích. Vì thế, thật là một sự giáo dục nghèo nàn nếu chỉ giới hạn vào việc thông truyền những khái niệm và thông tin, mà lại bỏ qua một câu hỏi trọng đại liên quan đến sự thật, nhất là sự  thật có thể hướng dẫn cuộc sống. Cả đau khổ cũng là một phần sự thật về cuộc đời chúng ta. Vì thế, khi tìm cách che chở cho những người trẻ khỏi mọi khó khăn và kinh nghiệm đau khổ, dù với những ý định tốt lành, người ta tạo nguy cơ làm cho chúng trở nên yếu đuối và kém quảng đại: bởi vì thực tế, khả năng yêu thương luôn tương ứng với khả năng chịu đau khổ và cùng chịu đau khổ.

Các bạn tại Rôma thân mến, bây giờ chúng ta đi đến một điểm có lẽ là tế nhị nhất trong công trình giáo dục: đó là làm sao tìm được sự  quân bình đúng mức giữa tự do và kỉ luật. Nếu không có quy tắc trong việc ứng xử và trong đời sống, được kiểm nhận ngày này qua ngày khác cả trong những việc nhỏ nhất, thì tính tình người trẻ không thể được đào luyện và họ không được chuẩn bị để đương đầu với những thử thách dồn dập trong tương lai. Tuy nhiên, tương giao trong việc giáo dục trước hết là một cuộc gặp gỡ giữa hai sự tự do, và nền giáo dục thành công chính là huấn luyện việc sử dụng tự do một cách đúng đắn. Dần dần trẻ em lớn lên, trở thành một thiếu niên rồi một thanh niên; chúng ta phải chấp nhận rủi ro của tự do, nhưng luôn quan tâm giúp chúng sửa sai những ý tưởng và những chọn lựa sai lầm. Điều chúng ta không bao giờ được làm là bao che cho những lỗi lầm của chúng, không giả điếc làm ngơ, hoặc tệ hơn nữa, lại đồng loã với những lỗi lầm ấy, và coi đó như là những ranh giới mới của tiến bộ.

Vì thế, giáo dục không thể lọai bỏ việc hành xử theo uy quyền vốn dĩ tạo cho quyền bính trở nên đáng tin. Uy quyền là kết qủa của kinh nghiệm và khả năng mà người ta tích tạo được trước hết nhờ sự thống nhất đời sống và lòng hi sinh tận tụy, đó chính là lòng yêu thương xác thực. Do đó, nhà giáo dục là một người làm chứng cho sự thật và sự thiện hảo: dĩ nhiên nhà giáo dục cũng là người khuyết điểm, có thể mắc những sai lầm, nhưng luôn nỗ lực làm cho mình được tương xứng với sứ mệnh đã lãnh nhận.

Các tín hữu Rôma thân mến, qua những nhận xét đơn sơ mộc mạc này, chúng ta thấy trách nhiệm giáo dục quan trọng biết chừng nào: đã hẳn, đó là trách nhiệm của nhà giáo dục, nhưng tuỳ theo từng lứa tuổi, đó cũng là trách nhiệm của con cái, của học sinh, của người trẻ khi bước vào môi trường công việc. Người trách nhiệm là người biết cách trả lời, nghĩa là, đáp trả cho chính mình và đáp ứng được cho tha nhân. Hơn thế, ai có đức tin thì trước hết biết đáp đền ơn Chúa là Đấng đã yêu thương họ trước.

Trách nhiệm trước hết thuộc về bản thân, nhưng cũng có thứ trách nhiệm mà chúng ta cùng nhau chia sẻ, với tư cách là công dân của một thành phố và của một quốc gia, hoặc trong tư cách là những thành viên trong gia đình nhân loại, và nếu chúng ta là tín hữu thì trong tư cách là con Thiên Chúa và phần tử của Hội Thánh. Thật vậy, những ý tưởng, lối sống, luật lệ, khuynh hướng của xã hội nơi chúng ta sống, và hình ảnh mà xã hội tạo ra nó qua giao tiếp, đều ảnh hưởng mạnh mẽ trên các thế hệ trẻ, không những về mặt tốt mà còn cả về mặt xấu nữa. Tuy nhiên, xã hội không phải là một thực thể trừu tượng, mà xét cho cùng xã hội là chính chúng ta với nhau, với các khuynh hướng, các luật lệ, những đại diện mà chúng ta đảm nhận, mặc dù những vai trò và trách nhiệm của mỗi người đều khác biệt nhau. Vì thế, cần có sự đóng góp của mỗi người chúng ta, của mỗi cá nhân, gia đình hoặc những tập thể xã hội, để cái xã hội ấy, bắt đầu từ thành phố Rôma của chúng ta, trở thành một môi trường thuận lợi hơn cho việc giáo dục.

Sau cùng, tôi muốn đưa ra cho anh chị em một tư tưởng mà tôi đã khai triển trong Thông điệp mới đây, “Spe Salvi”, về niềm hi vọng Kitô giáo: linh hồn của giáo dục cũng như của toàn bộ đời sống, chỉ có thể là một niềm hi vọng đáng tin cậy. Ngày nay niềm hi vọng của chúng ta đang bị đe doạ nhiều mặt, và cả chúng ta cũng rơi vào nguy cơ trở thành “những người không có niềm hi vọng, không có Thiên Chúa ở trần gian này,” giống như những người lạc giáo xưa kia, như Thánh Phaolô Tông Đồ đã viết cho các Kitô hữu thành Eâphêxô (Ep 2, 12). Chính từ đó mà phát sinh khó khăn sâu xa nhất đối với một chương trình giáo dục thực sự: thật vậy, căn nguyên của sự khủng hoảng trong giáo dục chính là khủng hoảng niềm tin vào cuộc sống.

Bởi thế, tôi không thể kết thúc mà lại không tha thiết mời gọi chúng ta đặt trọn niềm hi vọng nơi Thiên Chúa. Chỉ có Người là niềm hi vọng chống lại mọi ảo vọng; chỉ có tình yêu của Người mới tiêu diệt được sự chết; chỉ có đức công chính và lòng thương xót của Người mới có thể chữa lành các bất công và bù đắp cho những đau khổ mà chúng ta đã phải chịu. Niềm hi vọng hướng về Thiên Chúa không bao giờ là niềm hi vọng chỉ dành riêng cho tôi, nhưng luôn là niềm hi vọng cho cả người khác nữa: niềm hi vọng đó không cô lập chúng ta, nhưng giúp chúng ta biết liên đới trong điều thiện, thúc đẩy chúng ta giáo dục lẫn nhau về sự thật và tình yêu.

Tôi thân ái chào biệt anh chị em và tôi hứa sẽ nhớ đến anh chị em đặc biệt trong lời cầu nguyện. Xin gửi đến tất cả anh chị em phép lành của tôi.

Vatican ngày 21 tháng Giêng, 2008

BENEDICTUS PP. XVI

Lm. Giuse Ngô Quang Trung dịch

Mục lục

 

Chủng Sinh Ðại Chủng Viện Hà Nội đến với những Gia Ðình Nghèo khu bãi giữa Sông Hồng, dưới chân cầu Long Biên Hà Nội.

 

Hà Nội, Việt Nam (24/02/2008) - Sáng ngày 24/2/2008 - chúa nhật III mùa chay, nhóm chủng sinh Ðại chủng viện Thánh Giuse Hà Nội đã đến thăm và đồng hành với những người trong khu người nghèo tại bãi giữa sông Hồng, dưới cầu Long biên Hà nội.

Khởi đi từ Thánh Lễ sáng sớm cùng ngày, cha linh hướng Giuse Phan Thiện Ân đã nhấn mạnh đến Thầy Giêsu trong đoạn Tin Mừng Gioan 4, 5- 42: anh em hãy noi gương Thầy Chí Thánh Giêsu, Ngài đã vượt mọi ranh giới đến với người phụ nữ Samaria để "xin nước"; vậy anh em cũng lên đường đi mục vụ, đến với những người anh em sẽ gặp ngày hôm nay trong tinh thần yêu thương và phục vụ...

Nối tiếp tinh thần của Tin Mừng, nhóm anh em được phân công mục vụ khu người nghèo ở bãi giữa sông Hồng đã có mặt vào lúc 8 giờ 30. Hơn khi nào, các thầy đã y thức được tinh thần mùa chay của Giáo Hội: cầu nguyện, sám hối và hy sinh, làm việc bác ái, cách riêng đối với những người nghèo khổ.

Tôi và các thầy đã vượt qua một đoạn đường chừng 4 km đi về hướng Bắc. Chúng tôi tới đó bằng xe đạp nên mất khoảng 15 phút vì một đoạn phải dắt bộ. Dừng xe, trước mắt tôi là một khu, gọi là khu vì nơi đây có một số gia đình sinh sống. Quanh năm họ sống dưới nước, trên những cái "phao" mà mọi người thường gọi là nhà của họ. Khu này cũng đủ mọi lứa tuổi, từ những cụ già "ngót ngét" bảy tám mươi, cho đến những em thơ vừa "lọt lòng".... Từ đất liền tới "phao" được nối bằng một "ván gỗ" nhỏ bé và cũ kĩ, phải bước trên thanh gỗ đó thì mới vào được nhà, những ngôi nhà "chòng chành trên sông nước". Chúng tôi bước vào "phao" gia đình bác Nguyễn Văn Trọng, 70 tuổi, già nua và "móm mém". Ðược biết bác Trọng đến từ tỉnh Hà Tây và là trưởng khu này. Có lẽ những người trong khu tự bầu nhau?

Chúng tôi được đón tiếp bằng những "chén trà tình người" nên dù đường đi có mệt mỏi đôi chút nhưng tôi vẫn cảm thấy "ấm lòng". Ngồi nói chuyện với bác "tổ trưởng khu" tôi được biết tại đây có 22 gia đình, các gia đình đến từ nhiều tỉnh khác nhau. Công việc chủ yếu của những người sống ở đây là đi thu lượm "rác" quanh Thành phố, có một số anh chị may mắc thì là "công nhân" của một công ty nào đó...

Tạm chia tay gia đình bác Trọng, nhóm chúng tôi "tranh thủ" đến từng gia đình, thăm hỏi sức khỏe các cụ già, trò chuyện vui chơi với những em thơ... đó chính là công việc của các thầy vào mỗi sáng chúa nhật.

10 giờ 30, chúng tôi phải trở lại Ðại chủng viện cho kịp giờ kinh trưa. Chúng tôi lưu luyến mãi những con người và cuộc sống nơi đây, những ngôi nhà "sập sùi" nhưng có biết bao "khát vọng" của những cụ già và "ước mơ" của các em thơ...

Nguyện ước ngày mai ánh dương hồng

Mong cho các em được đến trường

Mẹ cha lên "rẫy" mang "ánh sáng"

Các cụ vui cười khi "chiều" dâng.

 

Gioan Ðình Sơn

Mục lục

 

Khóa bồi dưỡng thần học và tu đức liên dòng nữ Miền Bắc

 

 

 

MỘT NỖ LỰC ĐÁNG KỂ

 Xuất phát từ chuyến về thăm miền Bắc khoảng giữa năm 2006, đặc biệt tại một số nhà dòng nữ miền Bắc, từ cuộc họp với một số chị tổng phụ trách các dòng ấy, chị Phạm Thị  Hằng – một nữ tu  thuộc tỉnh dòng Houston, dòng Đa-minh Thánh Tâm (Nhà Mẹ tại giáo xứ Thánh Tâm, Hố Nai, Đồng Nai, giáo phận Xuân Lộc), đại diện các dòng nữ trong  Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam tại Hoa Kì – đã đề xuất các tham dự viên bầu chọn một ban đại diện các dòng để tiện liên lạc. Với sự hỗ trợ tài chính của Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kì, các chị quyết định hằng năm sẽ tổ chức các khóa bồi dưỡng thần học và tu đức cho các dòng nữ thuộc quyền các giáo phận miền Bắc.

 

Khóa thứ nhất (cuối năm 2006) dành cho các Tổng Phụ Trách các dòng nữ thuộc quyền các giáo phận miền Bắc học tập về bản chất và mục đích của đời tu, vai trò lãnh đạo tối cao trong các dòng theo tu đức và giáo luật. Khóa thứ hai (năm 2007) dành cho Phụ Trách Huấn Luyện của các dòng, học tập về mục tiêu, phương thế của việc huấn luyện, cũng như tương quan giữa đời tu với hàng giáo phẩm theo giáo luật. Khóa thứ ba (đầu năm 2008, từ ngày 13/2 đến ngày 25/2) dành cho các Phụ Trách Cộng Đoàn, không những học tập về việc lãnh đạo các cộng đoàn nhỏ, còn tìm hiểu cách tổ chức đời sống lao động và kinh tế để góp phần xây dựng cộng đoàn. Trong các khóa ấy, ngoài sự tham gia căn bản của chính chị Phạm Thị  Hằng, còn có sự tham gia cộng tác của các giảng viên khác như đức cha Nguyễn Văn Đệ - giám mục phụ tá giáo phận Bùi Chu, cha Vũ Văn Tất – giáo sư đại chủng viện Hà Nội, cha Đặng Xuân Thành – giảng viên các trung tâm thần học Sài Gòn, mới chuyển ra Hà Nội làm việc. Riêng trong khóa ba, còn có sự tham gia hướng dẫn cầu nguyện với thánh ca và cử điệu của chị Bùi Thị Thanh Bình, nữ tu tỉnh dòng Đa-minh Houston.

 

Con số và sự đa dạng của các tham dự viên ngày càng tăng : từ con số vài chục đến hơn hai trăm người (khóa ba phải chia thành hai đợt do con số tham dự viên quá đông), từ các dòng đã quen thuộc của các giáo phận đến những tổ chức tu trì mới trong các giáo phận như tu đoàn Thừa Sai Bác Ái ở Vinh, tu đoàn Nữ Thừa Sai Truyền Tin ở Hà Nội. Đó là chưa kể một số tham dự viên dự thính – vì không thuộc thành phần tham dự đúng nghĩa nhưng do đang cần mở rộng kiến thức để phục vụ các giáo phận miền Bắc hữu hiệu hơn, như dòng Con Đức Mẹ Vô Nhiễm Huế, dòng Phao-lô Đà Nẵng, dòng Phao-lô Thiện Bản Sài Gòn, hiệp hội Điểm Tim…

 

Không kể những hiểu biết về đời tu được mở rộng và cập nhật, các tham dự viên còn thu lượm được nhiều kinh nghiệm và tâm tình của các chị em từ nhiều dòng khác nhau tại các giáo phận khác nhau trong đời tu cũng như trong mục vụ, nhất là được trải qua những cuộc cử hành phụng vụ (thánh lễ và kinh phụng vụ) rất đa dạng nhưng cũng rất hợp nhất và mang sắc thái tu trì rất rõ nhờ sự nhấn mạnh trong bài giảng lễ, trong các thánh ca lựa chọn và trong cách ăn mặc, rồi những giờ suy niệm riêng bên cạnh nhau…

 

Mới nghe qua, chúng ta tưởng đây là những nỗ lực không đáng kể vì đã có những nỗ lực tương tự như thế đã được thực hiện, thậm chí rất bài bản, ở các miền khác, đặc biệt tại thành phố Sài gòn. Nhưng đặt vào trong bối cảnh của miền Bắc, đây quả là một cố gắng đáng khâm phục. Phải khắc phục không những các vấn đề liên quan đến tài chính để tổ chức các bữa ăn, in ấn các giáo trình, thù lao các giảng viên, chăm sóc y tế…, mà còn phải tìm cách giải quyết vấn đề phòng ốc để nghỉ ngơi – không chỉ ban ngày mà cả ban đêm, không chỉ vài ngày mà có khi cả tuần, không chỉ cho vài người mà hàng chục người, nhất là phải tìm cách vượt qua não trạng e dè ra khỏi địa phận, e dè tiếp xúc với các dòng khác, e dè làm bài và phát biểu, e dè sống chung và chơi chung… Những điều mà chỉ năm mười năm trước đây thôi đã tưởng là huyền hoặc !

 

 Chính vì những lợi ích gần và xa, trông thấy được và không trông thấy được ấy, dù vẫn còn rất khiêm tốn so với sự đầu tư và so với ước nguyện của mọi người, ban điều hành đã quyết định để nghị với Liên Đoàn Công Giáo Việt Nam Hoa Kì đưa công tác hỗ trợ và tổ chức này vào trong danh sách hoạt động thường xuyên và chính yếu của Liên Hiệp. Cũng vậy, theo lời nhắn nhủ của đức Tổng Giám Mục Hà Nội trong bữa ăn kết thúc khóa học, cái tinh hoa của các khóa học này và các khóa học tương lai chính là sự hài hòa giữa hợp nhất và vui tươi – hợp nhất giữa các dòng, giữa các địa phương, giữa các nếp sống và lối suy nghĩ, giữa các độ tuổi và các chức vụ - nhưng không phải là sự hợp nhất miễn cưỡng và vất vả, mà là sự hợp nhất  trong vui tươi và thông cảm. Nếu đưa được sự hài hòa ấy vào trong cuộc sống thường ngày của các cộng đoàn địa phương, không chỉ giữa chị em trong cộng đoàn mà còn giữa linh mục và nữ tu, giữa giáo dân và nữ tu…, thì quả là các khóa học này đã thành công, cần được duy trì và nhân rộng hơn nữa.

 Web site www.giaophanhanoi.vn

Mục lục

 

Giá trị Lịch sử và Pháp lý liên quan tới quyền sở hữu bất động sản của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Hà Nội, Việt Nam (25/02/2008) - Từ gần hơn tuần nay, nhiều bài viết và ý kiến được phát biểu trên các phương tiện truyền thông khá dồi dào và đôi khi có những lý giải hoàn toàn trái ngược nhau trên cùng một sự kiện lịch sử, khởi đầu từ khi công bố Văn Thư của HT Thích Trung Hậu, thừa ủy nhiệm Hội Ðồng Trị Sư Giáo Hội Phật Giáo Việt nam (GHPGVN) gửi Thủ Tướng Nguyễn Tấn Dũng với lập luận rằng khu đất Tòa Khâm sứ tọa lạc từng thuộc quyền sở hữu của Phật giáo và yều cầu GHPGVN cần được tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên [1].

 

A- Trước tiên chúng tôi thử phân tách những luận cứ trong Văn Thư nói trên và đem so sánh với những tư liệu lịch sử hiện có nhằm tìm ra sự thật của nhửng sự kiện lịch sử đã xẩy ra như thế, không thêm bớt.

Những luận cứ trong Văn Thư của GHPGVN:

1. Mở đầu Văn Thư cho biết rằng căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong bốn di sản văn hóa lớn của Phật giáo được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông", sau đó HT Thích Trung Hậu tự đồng hoá Phật giáo với Giáo Hội Phật Giáo Việt nam (GHPGVN) đã là sở hữu chủ liên tục chùa Báo Thiên trong suốt 825 năm, tức từ năm 1057 cho đến năm 1883.

2. Tiếp theo HT Thích Trung Hậu quyết đoán rằng vào năm 1883, chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

3. Sau cùng HT Thích Trung Hậu diễn giải Chùa Báo Thiên tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó và HT kết luận là GHPGVN cần được tham khảo trước khi Thủ Tướng có quyết định (thỏa thuận trao trả đã được Toà Tổng Giám Mục và Chính quyền đồng ý trên nguyên tắc và theo một tiến trình bắt đầu từ hai tuần trươc Tết Mậu Tý).

Những Chứng Từ Lịch Sử:

- Về sự thực quyền sở hữu chủ chùa Báo Thiên:

+ Sách Việt nam Danh Lam Cổ Tự, Võ Văn Tường, Nhà Xuật Bản Khoa Học Xã Hội 1992, trang XIV: Vua Lý Thánh Tông thuộc thế hệ thứ nhất của thiền phái Thảo Ðường; trang XV: các chùa tháp lớn ở Thới Lý phần lớn do nhà vua hay các quan bỏ tiền xây dụng, nhất là những nơi có cảnh đẹp nuí non. Trong ngoài Thành Thăng Long chùa được xây dựng khắp nơi.

+ Thực tế lịch sử: Các chùa chiền tại Việt nam thuộc tư nhân hoặc vua chúa, các ông hoàng bà chúa, các nhà giầu có tư nhân. Quyền sở hữu cuả mối chùa hoàn toàn độc lập và riêng tư, không thuộc quyền sở hữu một tổ chức phật giáo nào.

Năm 1964, Giáo Hôi Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất (GHVNTN), hoạt động độc lập, không được Chính quyền công nhận, ra đời tại Saigon cũng chỉ có tính chật điều hợp các sinh hoạt tôn giáo và hành chánh chứ không có gì thay đổi quan trọng vế quyền sở hữu các chùa.

Năm 1981, GHPGVN ra đời tại Hà nội, bị chính quyền chi phối, không độc lập và người dân gọi là Giáo Hội Phật Giáo Quốc Doanh, được chính thức công nhận và có tư cách pháp nhân cũng chỉ có rất ít chùa và vài bất đông sàn được Chính Quyên Việt nam cấp phát cho không hàng chục hec-ta đất tại Hà nôi, Ðà Lạt, v.v...;

Vậy việc HT Thích Trung Hậu quyết đoán vô bằng cớ rằng GHPGVN, là chủ ngôi chùa và tháp Báo Thiên là không có cơ sở, không đúng với thực tế cũng như dữ liệu lịch sử. Trong khí đó, thửc tế lịch sử cho thấy Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội, qua các triều đại khác nhau, luôn luôn là sở hữu chủ liên tục công khai và ổn định từ 125 năm nay.

Hơn nữa chính bản thân GHPGVN chỉ mới được thành lập và có tư cách pháp nhân vào ngày 7 tháng 11 năm 1981 tại Hà Nội, làm sao mà Hoà Thượng bạo gan dám xác quyết GHPGVN là sở hữu chủ liên tục bất động sản Chùa Báo Thiên từ 825 năm để đòi được tham khảo ý kiên về việc trao trả lại bất động sản thuộc quyền sở hữu của Toà Tổng Giám Mục.

Ðàng khác từ năm 1883 tới trước ngày 16/02/2008, tức 125 năm sau, không có một cá nhân nào, một tổ chức nào đăt vấn đề liên quan tới quyền sở hữu bất động sản của Tòa Tổng Giám Mục Hà Nội.

Nay bỗng dưng GHPGVN tự nhận là sở hữu bất động sản đã được thoả thuận tiến trình giải quyết giữa Toà TGM và Chính quyên Việt nam.

Do hành vi này, moị người dân bình thường có quyền nghi ngờ ý đồ tăm tối của GHPGVN qua HT Thích Trung Hậu đại diện.

- Về việc Chính Quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm:

Mốc thời gian 1883, Bắc Kỳ là đất bảo hộ của Pháp nhưng vẫn do quan chức của Triều Ðình Huế quản trị hành chánh. Vị Tổng Ðốc Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Ðộ.

Chính vị Tổng Ðốc này sau khi không tìm ra các thừa kế bất động sản chùa Báo Thiên, đã bị hoang phế đổ nát do thời gian và chiến tranh đã cấp quyền sở hữu chủ cho Giám Mục Puginier, cai quản giáo xứ Hà nội.

Ông Bonnal, lúc bấy giờ là Công Sứ Pháp Hà Nội đã từ chối lời yều cầu xin cấp đất xây Nhà Thờ Lớn (Saint-Joseph) lấy lý do là ông không có thẩm quyền.

+ Xin Xem "Hanoi pendant la période héroique. 1873-1888" trang 125, của tác giả André Masson. Librairie Orientaliste Paul Genthner. 13 rue Jacob (VIe). 1929', Masson-Hanoi và Những kỷ niệm của Công Sứ Bonna: Souvenir de Bonnal;

Về sự thực Chùa Báo Thiên bị đập phá:

+ Tình trạng hoang tàn của chùa Báo Thiên: Hà Nội Nghìn Xưa, trang 177;

+ Về sự xụp đổ của tháp Báo Thiên: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược;

+ Chùa Báo Thiên bị bỏ hoang: Ðại Việt Sử Ký Toàn Thư và Việt Sử Lược;

+ Tháp Báo Thiên bị quân Minh phá sập dể lấy đồng khi Lê Lợi bao vây thành Thăng Long: Nghĩ về Thăng Long Hà Nội (Nhà Xuất Bản Trẻ 2001, TP. HCH, tr 100-105).

Sau 4 năm xây dựng, Ngôi Thánh Ðưòng Nhà Thờ Lớn được khánh thành ngày 23 tháng 12 năm 1887.

Vậy việc HT Thích Trung Hậu cáo buộc bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo vào 1883 là không xác thực và vô căn cứ và bóp méo lịch sử.

Ðó là những dữ kiện và tài liệu lịch sử dễ dàng kiểm chứng.

Không ai có thể thay đổi được lịch sử nhưng mỗi người chúng ta có thể rút ra được những bài học lịch sử để ứng dụng vào đời sống và xây dựng quốc gia tốt hơn.

Ðã không phải là chủ bất động sản hay có lợi ích gì liện quan đến phần đất cũ xa xưa của chùa Báo Thiên từ 1051 năm (1057-2008) nay, GHPGVN, qua Văn Thư trên, đã tỏ ra ý đồ không minh bạch trong việc tự cho mình là sở hữu chủ và đòi đựơc tham vấn vụ việc.

Sự kiện nền đất chuà Báo Thiên có liên quan tới Bất Ðộng Sản nay thuộc Quyền Sở Hữu thuộc Tòa TGM Hà Nội cũng chỉ có tính cách dấu vết lịch sử giống như việc đổi chủ của bất cứ bất động sản nào tại Việt nam hay trên thế giới.

Tuyệt nhiên không mang lợi gì hay quyền gì cho những vết tích lịch sử đó.

Chỉ người chủ đích thực của bất động sản mói có đầy đủ các quyền lợi phát sinh từ quyền sở hữu theo quy định của các Ðiều 192, 193,, 195, 197 v.v... của Luật Dân Sự Việt nam, Luật số 33/2005/QH11.

 

B- Luật pháp Việt nam qui định thế nào về Bất Ðông Sản trong tình huống trên.

Bộ Luật Dân Sự Việt nam, Luật số 33/2005/QH11;

Xác lập quyền sở hữu theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền:

+ Ðiều 246: Quyền sở hưũ có thể được xác lập căn cứ vào bản án, quyết định của toà án hoặc quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền khác.

Vị Tổng Ðốc Hà Nội lúc bấy giờ là ông Nguyễn Hữu Ðộ, đại diện Triều Ðình Huế cấp quyền sở hữu chủ cho GM Puginier, quản trị giáo xứ Hà nội là đúng pháp luật.

Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu 30 năm:

+ Ðiều 247: Xác lập quyền sở hữu theo thời hiệu.

1- Người chiếm hữu, người được lọi về tài sản không có căn cứ pháp luật, nhưng ngay tình, liên tục, công khai trong thời hạn mười năm đối với động sản, ba mươi năm đối với bất động sản, thi trở thành sở hữ chủ tài sản đó, kể từ thới điểm bắt đầu chiếm hữu, trừ trường hợp qui định tại khoản 2 này.

Nếu như giả thuyết cho rằng Chính Quyền thực dân Pháp có làm áp lực vói Tổng Ðốc Nguyễn Hữu Ðộ trong việc cấp quyền sở hữu bất động sản cho GM Puginier thì quyền sở hữu này cũng không bị ảnh hưởng gì vì thời hiệu tới này đã 125 năm.

Ngoài ra Ðiều 1 phần cuối: Bộ Luật Dân Sự có nhiệm vụ bảo vệ quyền, lợi ích của cá nhân, tổ chức...; bảo đảm sự bình đẳng và an toàn pháp lý trong quan hệ dân sự...

Tóm lại việc thủ đắc bất động sản số 40 Phố Nhà Chung của GM Puginier từ Vị Tổng Ðốc Hà Nội Nguyễn Hữu Ðộ là hoàn toàn hợp pháp.

Tài sản naỳ được chiếm giữ và truyền kế liên tục qua các vị GM nối tiếp khác nhau kể từ 1883 cho tới nay (năm 2008), là TGM Ngô Quang Kiệt.

Việc Giáo Phận Hà Nội cho Ðức Khâm Sứ John Dooley mượn một toà nhà (Chính Quyền quận Hoàn Kiếm Hà Nội cho gắn vào số 42) làm Toà Khâm Sứ cho đến khi Ngài bị trục xuất vào năm 1959 không thể coi là bất động sản thuộc quyền sở hữu của Toà Thánh Vatican.

Việc một giáo phận cho Ðức Khâm Sứ mược làm Toà Khâm Sứ tại một quốc gia có bang giao với Toà Thánh Vatican là một thông lệ trên toàn thế giới chứ không riêng Tổng Giáo Phận Hà nội.

Người thuê nhà luôn luôn vẫn là người thuê nhà.

Ngày nay việc Tổng Giáo Phận Hà Nội đòi laị tài sản của giáo phận mình, bị chiếm dụng trong thời điểm Chính Quyền cai trị bằng vũ lực, vô luật lệ từ hơn 50 năm nay cũng là bình thường vì Việt nam hiện nay đã có luật pháp qui đinh giải quyế quyền sở hữu bất động sản.

Thực vậy:

Ðiều 256: quyền đòi lại tài sản

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hớp pháp có quyền yêu cầu người chiếm hữu, người xử dụng tài sản, người được lợi về tài sản không có căn cứ pháp luật đôí với tài sản thuộc quyền sở hữu hoặcquyền chiếm hữu hợp pháp của mình phải trả lại tài sản đó...

Ðiều 259: Quyền yêu cầu ngăn chặn hoặc chấm dứt hành vi cản trở trái pháp luật đối với việc thực hiện quyền sở hữu, quyền chiếm hữu hợp pháp...

Ðiều 260: quyền yêu cầu đòi bồi thường thiệt hại.

Chủ sở hữu, người chiếm hữu hợp pháp có quyền yêu cầu người có hành vi xâm phạm quyền sở hữu, quyền chiếm hữu của mình bối thường thiệt hại.

 

Kết Luận:

Lịch sử thay đổi chủ của một Bất Ðộng Sản là điều tất yếu phải xẩy ra theo quy luật kinh tế và phát triển quốc gia.

Bởi thế, mổi quốc gia [2] đều phải có một bộ luật Dân Sự căn bản qui định các mối tương quan này và nhằm bảo đảm an toàn pháp lý các mối tương quan đó: ví dụ như các điều khoản liên quan tới người chiếm hưũ ngay tình trở thành sở hữu chủ tài sản, các thời hiêu thủ đắc và thời hiệu tiêu diệt tố quyền (limitation of actions: Acquisitive prescription and extinctive prescription).

Sự kiện nền đất chuà Báo Thiên trước đây 825 năm thuộc sở hữu chủ tư nhân, được thủ đắc hợp pháp, và kết thừa cho tới nay thuộc Tòa TGM Hà Nội, giống như việc đổi chủ của bất cứ bất động sản nào tại Việt nam hay trên thế giới.

Nên giá trị lịch sử của chùa Báo Thiên thuộc phần lịch sử hình thành khu Bất Ðộng Sản Nhà Thờ Lớn và Toà Khâm Sứ không cho phép bất cứ một cá nhân hay tổ chức nào can dự vào quyền sở hữu chủ của Tòa TGM Hà Nội như Bộ Luật Dân Sự đã qui định nêu trên.

Giá trị pháp lý Quyền Sở Hữu Bất Ðộng Sản số 40 Phố Nhà Chung bao gồm Toà Khâm Sứ rõ ràng là chắc chắn minh bạch và bất khả tranh cãi.

Việc trì hoãn trả lại bằng cách dàn dựng những lý do không chính đáng hay tạo ra các làn sóng tranh cãi vô bố ích gây chia rẽ, gây hỏa mù càng làm mất uy tín và niềm tin trong dân chúng.

Một nhà nước đang trên đà phát triển để trở thành một nhà nước pháp quyền không thể hành sử như cung cách hiện nay.

Cả nước và cả thế giới đang chăm chú theo dõi cách ứng xử của Chính quyền ngay tại Trung tâm Thủ Ðô Hà Nôi.

 

Ghi Chú:

[1] Nội dung Văn Thư: Căn cứ các tài liệu lịch sử, chùa Báo Thiên là một trong Tứ đại khí (bốn di sản văn hóa lớn) của Phật giáo, mà cũng là của cố đô Thăng Long, được xây cất từ năm 1057 dưới thời vua Lý Thánh Tông. Phật giáo Việt Nam, một tôn giáo luôn luôn đồng hành với dân tộc qua những thăng trầm của vận nước, dù với tư cách là một Giáo hội hay là một bộ phận lớn nhất của cộng đồng dân tộc, đã liên tục là sở hữu chủ của cơ sở này trong 825 năm cho đến năm 1883 khi bị chính quyền thực dân Pháp cưỡng chiếm rồi giao cho Thiên Chúa giáo, cụ thể là Giám mục Puginier sử dụng.

Chùa Báo Thiên, một di sản văn hóa đồ sộ vào bậc nhất nước ta tọa lạc trên khu đất rộng vài ngàn mét vuông, đã bị đập phá rồi xây dựng Nhà thờ Lớn Hà Nội và Tòa Khâm sứ lên trên đó.

Vừa qua, một số người lên tiếng đòi Chính phủ giao trả Tòa Khâm sứ cũ ấy cho Thiên Chúa giáo, gây nhiều xôn xao trong quần chúng nhân dân. Chúng tôi đề nghị Thủ tướng nên xem Giáo hội Phật giáo Việt Nam là một trong những thành phần chủ yếu để tham khảo trước khi có quyết định cụ thể liên hệ đến sự việc trên.

Trân trọng kính chào Cụ Thủ tướng.

Kính thư

T.U.N. Ban Thường Trực HÐTS GHPGVN

Trưởng Ban Văn Hóa Trung Ương

(đã ký)

Hòa thượng Thích Trung Hậu

[2]- Bộ Dân Luật Pháp: Le délai de prescription en droit fran硩s est de 30 ans comme l'énonce l'article 2262 du code civil. " Toutes les actions, tant réelles que personnelles, sont prescrites par trente ans, sans que celui qui allègue cette prescription soit obligé d'en rapporter un titre ou qu'on puisse lui opposer l'exception déduite de la mauvaise foi." Folleville, Daniel de.

Considérations générales sur l'acquisition ou la libération par l'effet du temps. Essai sur le titre de la prescription. Paris: E. Thorin, 1869. 155 p.; 24 cm.

- Bộ Dân Luât Québec, Canada: các điều luật: từ 2875-2933 CVQ.

- Thời hạn hành sử tố quyền tại Australie, Canada và Hoa Kỳ: Handford, Peter R., Limitation of actions: he Australian law / by Peter Handford., Pyrmont, N.S.W.: Thomson Legal & Regulatory Group, 2004.

Joffe, Hal, Federal limitation periods: a handbook of limitation periods and other statutory time limits / prepared by Hal Joffe, Susan Ditta, Heather Crisp., Toronto: Butterworths, c1978-1986, v. (feuillets mobiles).

Baudry-Lacantinerie, Gabriel, 1837-1913. Prescription, traité théorique et pratique de droit civil, vol. xxviii, nos. 1-815 (4th ed. 1924) / Baudry-Lacantinerie & Tissier; Chapter 4: of the different manners in which actions are extinguished or become ineffective, and especially of prescription, Droit civil fran硩s vol. xii, 770-776 bis (6th ed. 1958, by Paul Esmein) / Aubry & Rau; Notes on liberative prescription, 50 revue trimestrielle de droit civil, 171-181 (1952) / Jean C. Carbonnier. An english translation by the Louisiana States Law Institute.

 

Ls Trần Lê Nguyên

Theo Vietcatholic News

Mục lục

 

 

TÌM HIỂU & SỐNG ĐẠO

GIÁO DỤC TOÀN DIỆN, THỂ CHẤT - TRI THỨC - TÂM LINH

Đề tài giáo dục là một đề tài được nhắc tới liên tục trong nhiều năm trở lại đây, nói cách khác đây là một đề tài luôn mang tính thời sự. Ta có thể đọc thấy rất nhiều sách, báo bàn về đề tài này. Đặc biệt hơn, trong năm 2008 này, Giáo Hội Việt Nam đã chọn giáo dục làm chủ đề cho năm.

Xét về mặt ngôn ngữ, người ta sử dụng nhiều từ khác nhau để nói về giáo dục, trong ngôn ngữ tiếng việt cũng như các ngôn ngữ khác. Thật vậy, trong tiếng pháp thấy có các từ như éducation, formation, enseignement, instruction, v.v… Trong tiếng Anh cũng thấy có education, formation, instruction, training, v.v… Còn trong tiếng việt, khi nói về đề tài này người ta thường dùng đến ba cặp từ là “giáo dục”, “đào tạo” và “huấn luyện”.

Sử dụng các từ ngữ khác nhau như vậy, có lẽ, mới diễn tả được hết phần nào sự phong phú của nội dung mà vấn đề này bao quát. Cụ thể, trong ngôn ngữ tiếng Việt, mỗi cặp từ vừa liệt kê trên diễn tả một khía cạnh khác nhau của vấn đề.

Giáo dục là “hoạt động hướng tới con người thông qua một hệ thống tác động nhằm truyền thụ những tri thức và kinh nghiệm, rèn luyện kỹ năng và lối sống, bồi dưỡng tư tưởng và đạo đức cần thiết cho đối tượng, giúp hình thành và phát triển năng lực, phẩm chất, nhân cách phù hợp với mục đích, mục tiêu chuẩn bị cho đối tượng tham gia lao động sản xuất và đời sống xã hội”[1].

Giáo dục là “dạy dỗ, rèn luyện về chữ nghĩa, đức hạnh và thể chất”[2] .

Huấn luyện là giảng dạy và hướng dẫn luyện tập[3] . Huấn luyện là chế tạo, rèn đúc gầy dựng nên[4] .

Đào tạo là “quá trình chuyển giao có hệ thống, có phương pháp những kinh nghiệm, những tri thức, những kỹ năng kỹ xảo nghề nghiệp, chuyên môn, đồng thời bồi dưỡng những phẩm chất đạo đức cần thiết và chuẩn bị tâm thế cho người học đi vào cuộc sống lao động tự lập và góp phần xây dựng và bảo vệ đất nước. [...] Ngày nay, đào tạo không còn chỉ là quá trình chuyển giao một chiều mà còn bằng những phương tiện dạy học hiện đại mà các cơ quan đào tạo đang dần dần tiến tới hợp tác song phương với người học để giúp họ chủ động, tích cực, tự giác chiếm lĩnh lấy tri thức, tự trang bị hành trang nghề nghiệp, chuyên môn”[5]

 .Theo đó, dù có sử dụng cặp từ nào đi nữa, giáo dục phải mang đầy đủ nội dung cần thiết của nó. Giáo dục phải vừa nhằm truyền thụ kiến thức theo cách chuyển giao hoặc hợp tác giữa bên truyền thụ và bên hấp thụ, vừa nhằm giúp đối tượng thụ huấn tự rèn luyện để trở thành cái họ phải trở thành. Phải giúp người được giáo dục đạt được mức độ viên mãn của chính con người anh ta, tức là phải làm cho anh ta có thể phát huy hết mức khả năng thiên phú của mình để anh ta có thể đóng góp tối đa phần của mình cho xã hội loài người; đồng thời cũng phải giúp anh ta tự rèn luyện để có một nhân cách tốt, một tinh thần phóng khoáng và mạnh mẽ hầu có thể đóng góp một cách vô vị lợi, hay đúng hơn là trong tinh thần vì ích chung nhiều hơn là chăm lo cho bản thân hoặc chỉ có gia đình.

Giáo dục, như thế, giúp con người biết tiếp thu những nét hay của nhân loại và giúp thăng tiến con người. Khi một người được giáo dục đúng cách thì người đó sẽ biết cách cư xử khiến những người khác hài lòng và cảm thấy thoải mái khi tiếp xúc với anh ta. Con người được giáo dục đó đã hấp thụ được những cái đúng cái hay của nhân loại nơi bản thân mình, hơn nữa anh ta còn có khả năng tự tiếp nhận nhiều thứ khác nữa, dựa trên nền tảng những cái đã biết nhờ khả năng phân tích, tổng hợp và suy luận. Chính điều này làm cho anh ta ngày càng tiến bộ hơn, không phải chỉ về mặt kiến thức mà còn về mọi mặt của con người toàn diện. Nói cách khác, đó là sự thăng tiến của con người anh ta.

Khi nói đến giáo dục toàn diện, người ta nghĩ ngay đến việc giáo dục đồng thời và đầy đủ cả ba khía cạnh là trí dục, đức dục và thể dục. Trí dục giúp đối tượng đạt đến một trình độ tri thức phù hợp cần thiết; đức dục hướng đối tượng tới một nhân cách và một lối sống đúng theo thuần phong mỹ tục; và thể dục nhằm giúp đối tượng có được một sức khỏe cần thiết. Nếu “rèn đúc” ra được càng nhiều những con người có đầy đủ những phẩm chất đó, tức là được giáo dục toàn diện, thì xã hội và nhân loại sẽ càng được nhiều lợi ích.

Tuy nhiên, theo cái nhìn Kitô giáo, con người bao gồm không chỉ có thể xác và tinh thần mà còn gồm cả tâm linh nữa, theo như giáo huấn của thánh Phaolô. Hiểu rõ giáo huấn đó nên khi nói về sự phát triển con người toàn diện, đức Giáo hoàng Phaolô VI đã khẳng định trong Thông điệp Phát Triển Các Dân Tộc rằng phát triển toàn diện phải bảo đảm thăng tiến cả ba khía cạnh thể chất, tinh thần và cả tâm linh của mỗi con người.

Để có thể đạt tới sự thăng tiến toàn diện như vừa nêu, con người cần được giáo dục toàn diện, từ mức độ căn bản cho đến các mức độ cao hơn, và phải đồng thời giáo dục cả về thể chất, tri thức và tâm linh. Bởi vì, nếu chỉ phát triển về mặt trí thức hay tinh thần như một số người vẫn thường nghĩ khi nói đến giáo dục, hoặc giả là có thêm phần rèn luyện thể lý như nhiều người vẫn hiểu và đang cố gắng thực hành trong xã hội hiện nay, thì con người vẫn chưa thể đạt đến sự thanh thoát để thật sự cảm thấy hạnh phúc trong cuộc sống của mình. Cuộc đời còn có cái gì đó khác hơn là tri thức và sức khỏe, cho dù “sức khỏe là vàng”.

Thật vậy, nhiều người đã đạt đến mức có đủ hai yếu tố trên và thậm chí còn giàu có nữa, nhưng họ vẫn cảm thấy không hạnh phúc vì không tìm được sự bình an trong tâm hồn hay, nói cách khác, họ cảm thấy mệt mỏi vì thiếu vắng một đời sống tâm linh. Có lẽ, không cần phải nêu ví dụ minh họa để chứng minh cho nhận định vừa rồi, vì xem ra ai ai cũng có thể hiểu điều đó, tùy mức độ khác nhau mà thôi.

Tuy nhiên, chính hiện tượng ngày càng có nhiều người hơn, nhất là những con người phải sống với tốc độ quay rất nhanh nơi các khu thị tứ, họ tìm đến với những khung cảnh tĩnh lặng vào những lúc rảnh rỗi với ước mong có được một chút nghỉ ngơi nội tâm, hiện tượng này đủ để ủng hộ cho lập luận trên.

Rõ ràng hơn nữa, đối với giới trẻ ngày nay, sinh viên-học sinh, họ có kiến thức đủ tốt và một thể chất khỏe mạnh nhưng lại bị thiếu hụt về mặt tâm linh nên thường bị mất phương hướng và, nhiều người trong số họ, đã đi tìm lấp đầy khoảng trống đó nơi những hoạt động không lành mạnh. Còn những bạn có tinh thần vững mạnh hơn thì vẫn bị hụt hẫng: họ bị khập khiễng giữa hai loại tri thức mà bản thân họ đã lĩnh nhận được, một bên là kiến thức khoa học kỹ thuật và một bên là kiến thức về tôn giáo. Cụ thể, kiến thức cho đời sống tâm linh của họ quá thấp so với loại kiến thức kia, điều này khiến họ rất dễ bị khủng hoảng khi phải đối diện thực sự với vấn đề này. Họ không thể tìm được sự bình an nội tâm thực sự, họ vẫn chơi vơi. Kinh nghiệm làm mục vụ sinh viên cho tôi thấy rất rõ điều này.

Trái lại, nếu con người chỉ được quan tâm giáo dục về mặt đời sống thiêng liêng mà thiếu sự quan tâm giáo dục về trí thức và thể lý hay, nói cách khác, được hướng dẫn trong một quá trình giáo dục không cân đối giữa các mặt, thì anh ta sẽ dễ bị rơi vào tình trạng sống và hành động thiếu thực tế. Anh ta có thể coi mọi việc đều quá đơn giản dẫn đến nhận định không đúng về vấn đề. Anh ta cũng có thể đi đến thái cực là bài xích hoặc coi khinh những gì không phải tâm linh, điều này trái với giáo huấn của Công đồng Vatican II, trong Hiến chế Gaudium et spes, muốn kêu gọi các Kitô hữu, nói riêng, và con người, nói chung, hãy sống với thực tại trần thế này theo tinh thần nhập thế của Đấng Nhập Thể.

Còn việc thiếu quan tâm giáo dục thể chất thì đã rõ, nó khiến con người không đủ sức khỏe để làm những chuyện mình muốn làm hay phải làm. Muốn làm bất cứ chuyện gì thì trước hết tôi phải có sức khỏe đủ để có thể đảm nhận. Điều này hiển nhiên. Chính thánh Augustin cũng đã xác nhận rằng một tinh thần sáng suốt phải ở trong một thân xác tráng kiện, theo lẽ tự nhiên.

Có lẽ cũng cần nói thêm một chút về khía cạnh giáo dục tri thức, đó là về cách thức và phương hướng giáo dục sao cho người được giáo dục tiếp thu được nhiều và có hiệu quả những kiến thức.

Tôi còn nhớ, hồi ở bên Pháp, một vị giám học trong tu viện huấn luyện của chúng tôi đã nói với một anh em tu sĩ sinh viên về cách học cho hiệu quả thật sự. Theo đó, các anh em sinh viên tu sĩ chúng tôi được khuyến cáo nên dành các ngày weekend để tìm hiểu học hỏi về địa bàn nơi học viện chúng tôi đang đóng, tìm hiểu về mọi mặt từ địa lý, văn hóa cho đến lịch sử, v.v… Cụ thể, các ngày trong tuần đã được sắp xếp để theo học chương trình thần học theo yêu cầu của hội dòng, còn các ngày cuối tuần thì anh em nên cùng nhau tổ chức đi dạo và thăm các vùng lân cận trong vòng bán kính khoảng 100 Km để có thể cùng nhau tìm hiểu về lịch sử, kiến trúc, tình hình của các nơi đó. Các kiến thức hấp thụ từ thực địa như thế rất bổ ích cho tầm hiểu biết và hiểu biết toàn diện của mỗi sinh viên.

Để làm được điều đó, trước hết cần phải có một phương hướng và đường lối giáo dục hợp lý. Có điều là để tổ chức giáo dục được như vậy, cần phải đầu tư khá nhiều chi phí. Mong rằng nền giáo dục nước ta cũng có ngày đủ điều kiện vật chất để tiến hành tương tự.

Một vấn đề khác cần đặt ra là để cho mọi người đều có cơ hội được giáo dục và giáo dục toàn diện thì có lẽ cũng nên để cho những người được giáo dục có cơ hội và có điều kiện thể hiện chính bản thân mình trong quá trình giáo dục, chứ không phải chỉ áp đặt và chất đầy những tinh hoa đã có lên trên họ, giống như kiểu khoác cho mọi người cùng một chiếc áo được dệt bằng những thứ tinh túy do nhiều thế hệ trước để lại mà đôi khi không vừa hoặc không phù hợp với hết mọi người. Cần để cho có những khoảng trống cần thiết để người được giáo dục tự xoay sở, tự giáo dục chính mình theo như khả năng bản thân người đó cảm nhận.

Đó cũng là một ý tưởng khá mới mẻ mà bộ phim “Accepted” của Justin Long và Lewis Black, được trình chiếu trên kênh HBO qua hệ thống truyền hình cáp SCTV trong tháng 12.2007 vừa qua, đã đề xuất. Theo đó, một kiểu “trường đại học” mà trong đó chỉ có các “sinh viên”, vốn đã bị các trường đại học từ chối không tiếp nhận vào học, họ đến đó với những ước mơ, những hoài bão và những khả năng tiềm ẩn đa dạng của từng người; ở đó, điều chính yếu là họ tự rèn luyện và cố gắng phát triển khả năng bản thân mình, còn sự hướng dẫn của một ông thầy duy nhất của trường chỉ mang tính hỗ trợ và bổ túc để giúp các sinh viên tự điều chỉnh cho phù hợp hơn với phương pháp khoa học trong tư duy và rèn luyện mà thôi.

Nhìn chung, bộ phim muốn nhấn mạnh đến mức độ quan trọng gần như hàng đầu của việc tự rèn luyện của bản thân mỗi người được giáo dục. Nếu một trong những mục đích của giáo dục là giúp khơi nguồn sáng tạo nơi học sinh-sinh viên, chứ không phải chỉ là những khuôn khổ có sẵn cần phải ép mình vào, thì cách thức tự đào tạo theo kiểu này phải trở thành một phần tất yếu trong chương trình giáo dục.

Tuy nhiên điều vừa nói không nhằm phủ nhận vai trò thiết yếu và quan trọng của cách giáo dục theo bài bản xưa nay, vì nếu không những người được giáo dục sẽ dễ bị lạc hướng do ngộ nhận về khả năng của mình, cũng như chiều theo những sở thích và ý muốn sai lệch hoặc thiếu kinh nghiệm sống của họ. Đó là chưa nói tới tầm quan trọng của việc phải biết tiếp thu những kinh nghiệm và học hỏi những phương pháp đã được trải nghiệm từ nhiều thế hệ. Vậy, cần dung hoà giữa hai cách thức trên sao cho vừa đàm bảo có sự hướng dẫn cần thiết vừa đảm bảo cho có sự nhu động tùy theo tình trạng của các cá nhân được giáo dục.

Cũng không thể chỉ áp dụng lối giáo dục tùy theo từng cá nhân người thụ giáo, vì điều này vốn tốn kém và khó có thể được tổ chức thành một hệ thống qui củ, và cũng không cần thiết đến mức đó. Vả lại, những con người đặc biệt vốn không nhiều, trong khi đó đa số vẫn luôn có các mẫu số chung mà theo đó người ta có thể thiết kế những mô hình giáo dục và đào tạo hàng loạt vốn tiết kiệm rất nhiều cho xã hội. Có điều là phải luôn lưu ý đến những trường hợp đặc biệt mà tìm cách giáo dục cho thích hợp, chứ không nên loại trừ hoặc tạm bỏ sang một bên các phần tử này. Nếu làm được như thế, mục tiêu giáo dục toàn diện cho tất cả mọi người sẽ có nhiều khả năng đạt được.

Tóm lại, giáo dục toàn diện con người phải bao gồm vừa giáo dục đời sống thể chất và tinh thần - trí dục, đức dục, thể dục - vừa giáo dục đời sống thiêng liêng. Có vậy, trong nhân loại mới có ngày càng nhiều những con người không những chỉ có tri thức và sức khỏe tốt mà còn có một tâm hồn cao thượng và một niềm bình an thật sự để có thể cống hiến và đóng góp cho đời tất cả năng lực và tâm huyết của họ. Kitô giáo phải đi đầu và góp phần tích cực trong việc thực hiện công cuộc này.

Lm. Anbêtô Nguyễn Lộc Thọ, OP

(bản tin Hiệp Thông số 45, Hội Đồng Giám Mục Việt Nam)

Mục lục

 

 

KHI THÁNH ĐƯỜNG HOÀNH TRÁNG – LƯỢNG GIÁO DÂN DỰ LỄ GIẢM 

Một ngôi thánh đường khang trang, tươm tất là niềm mơ ước của các tín hữu. Nếu như lại được một thánh đường hoành tráng nằm giữa khu dân cư, khu phố mình ở là niềm mơ ước ấy sẽ dâng lên gấp bội không chỉ của giáo dân trong xứ đạo mà còn là niềm vui của những vùng lân cận. Vì thế, mỗi dịp dâng Thánh Lễ đặt viên đá đầu tiên xây dựng thánh đường hay khánh thành, cung hiến bàn thờ thì không chỉ có giáo dân trong xứ mà còn có sự hiện diện của các giáo xứ bạn, thậm chí có cả giáo xứ gốc sinh ra giáo xứ ấy dù cách xa cả ngàn cây số.

Những năm tháng sống trong cơ chế của thị trường bao cấp thì các ngôi thánh đường mọc lên cũng chịu ảnh hưởng của cái nền kinh tế bao cấp ấy. Thánh đường có chăng là những ngôi nhà to hơn bình thường một chút, có một mái tôn hay một mái ngói tươm tất là đã đủ cho niềm ao ước và mơ tưởng của Cha xứ rồi.

Ngày nay, khi xã hội phát triển và hiên ngang đi lên trong nền kinh tế thị trường thì các thánh đường ngày nay được dựng lên không còn ấp ủ trong mình cái chức năng to lớn, rộng rãi, che mưa che nắng cho cộng đoàn dân Chúa nữa mà nó vươn mình lên trong những kiến trúc thời đại.

Tôi không phủ nhận, không đả phá chuyện thánh đường phải được xây cất đúng tầm vóc của nó là phải hoành tráng vì cả trăm năm mới xây một lần và nhất là đủ các yếu tố trang nghiêm, lộng lẫy xứng đáng với vai trò của nó là nơi mọi người đến tôn vinh Chúa. Thế nhưng khi xây cất, các vị có trách nhiệm nên chăng nhìn lại hoàn cảnh chung của giáo xứ, thực tế của gia đình.

Đôi khi chỉ vì một chút danh dự, một chút hơn thua nhau ác vị có trách nhiệm đã vung vít xây những ngôi thánh đường thật nguy nga, lộng lẫy. Công trình xong nhìn đẹp thật nhưng nhìn lại hỡi ôi ! Dân chúng xung quanh nhà thờ chỉ là dân nghèo, chạy ăn từng bữa. Thật bi hài khi đa số giáo dân trong vùng tá túc trong những căn nhà mái tranh xập xệ, nhà dột, cột xiêu ... Đau đớn lòng khi họ phải ngẫng cao đầu đến mỏi mệt để nhìn thấy tháp chuông nhà thờ xứ mình cao quá, tháp chuông nhà thờ mình hoành tráng quá !

Tôi được biết có hai thánh đường mới cung hiến gần đây cũng khá hoành tráng. Mừng khi bà con giáo dân có một nơi thờ phụng đúng nghĩa, khoả lấp nỗi nhớ niềm mơ của giáo dân nhưng khi khánh thành xong thì nỗi buồn, nỗi lo ấy lại đến và ở lại với những người có trách nhiệm. Trước đây khi thánh đường còn nhỏ bé, còn chật hẹp thì ấm cúng lắm vì mỗi lần cử hành phụng vụ thì không ai bảo ai người này nhường người chia một chút để rồi đủ chổ ngồi và ấm cúng. Giờ đây thánh đường rộng hơn, to hơn, thoáng hơn nhưng tình người, tình liên đới nó lại tỷ lệ nghịch với chỗ ngồi. Tình nghĩa giờ nó cũng lan ra, cũng loãng đi với bầu khí của nhà thờ ấy.

Có nên chăng có những “ngôi nhà Chúa” quá hoành tráng, quá nguy nga đặt ngay trung tâm những gia đình nghèo.

Có nên chăng có những ngôi thánh đường có sức chứa cả ngàn chỗ ngồi nhưng chỉ dùng được hết công suất trong các Thánh lễ trọng, còn ngày thường chỉ loe ngoe vài chục nhân danh mà thôi.

Có nên chăng đua nhau làm các công trình vật chất thật to lớn, vĩ đại, tầm cỡ quốc tế nhưng các công trình tinh thần, tình làng nghĩa xóm, đời sống kitô hữu ngày cứ mai một dần mai một dần.

Nhớ đến lời căn dặn của Cha giáo Am Dòng Donbosco : “Anh em linh mục khi đi giúp xứ không phải anh em tìm cách để nâng đời sống kinh tế của giáo dân lên mà anh em phải làm sao đó tìm cách nối kết đời sống của họ lại …”

Vâng ! Đứng trước nhiều cái lo thì vị chủ chăn nên chăng lo về đời sống hiệp nhất, đời sống tinh thần của giáo dân hơn là vật chất. Vì cái nghèo, cái đói vật chất nó có thể đi theo con người mãi do hoàn cảnh, do thiên tai .. nhưng cái nghèo về tình cảm, đời sống tinh thần ta có thể làm cho nó giàu lên nhờ sự quan tâm, yêu thương anh chị em đồng loại, nhất là với những ai có “một Cha chung ở trên trời”.

An Mai  C .Ss.R

Mục lục

 

Lạy Chúa, xin mở mắt con!

Xưa nay trong dân gian vẫn tin: Con mắt là cửa sổ tâm hồn lòng con người! Và khi gặp gỡ nói chuyện với ai, người ta thường nhìn thẳng vào đôi mắt người đối diện.

Người bị mù lòa hoặc từ bẩm sinh, hoặc do bệnh tật không thể nhìn thấy gì là một bất hạnh lớn cho đời họ. Cả những người có đôi con mắt yếu kém phải đeo kính nhiều độ dầy mỏng mới giúp nhìn thấy mầu sắc cùng cảnh vật, cũng cảm thấy khó chịu, vì bị vướng trở giới hạn.

Trong dòng đời sống

Đôi con mắt là cơ quan trọng yếu của thân thể con người. Không chỉ riêng con người mà cả súc vật cũng được Tạo Hóa tạo dựng cho có đôi con mắt nữa.

Đôi con mắt để nhìn cùng ghi thâu nhận mầu sắc, hình hài vật thể bên ngoài chuyển vào tận trong thâm sâu của tâm trí. Vì thế, người ta cũng ví đôi con mắt như một máy chụp hình tinh vi nhậy cảm.

Đôi con mắt rất nhạy cảm với ánh sáng, với độ nóng lạnh, với những gì liên quan đến tâm linh tinh thần.

Đôi con mắt không chỉ nhạy cảm thu nhận, nó cũng phát tỏa những ấn tượng của tâm trí suy nghĩ. Người ta đã khảo nghiệm cho rằng, con mắt bên phải có những khả năng hướng về hoạt động, về tương lai và về mặt trời. Đang khi con mắt bên trái có khả năng hướng về thụ động, về qúa khứ và về mặt trăng.

Trong Giáo lý Phật giáo nói đến „con mắt thứ ba“, như hình ảnh nói về sự nhìn vào thâm sâu nội tâm bên trong.

Ở thời Thượng Cổ, con mắt là hình ảnh của Thần mặt Trời.

Trong đức tin Kitô giáo

Đôi con mắt được hiểu là tấm gương phản chiếu của linh hồn, là những thông hiểu về thần thánh thiêng liêng, về sự tỉnh thức và cùng về sự quan sát gìn giữ của Thiên Chúa.

Thiên Chúa tạo dựng sự sống cùng thân xác con người. Đôi con mắt là một cơ quan chức năng thị gíac của thân xác. Chúa Giêsu đã ví gọi đôi con mắt là ngọn đèn của thân thể:„ Đèn của thân thể là con mắt. Vậy nếu mắt anh sáng, thì toàn thân anh sẽ sáng. Còn nếu mắt anh xấu, thì toàn thân anh sẽ tối. Vậy nếu ánh sáng nơi anh lại thành bóng tối, thì tối biết chừng nào!“ ( Mt. 6,22-23)

Con mắt của con người diễn tả tình tự tâm hồn thể hiện ra bên ngoài qua dòng nước mắt. Không gì mang lại cho con người niềm an ủi bằng xoa dịu ngăn lại dòng nước mắt đang lăn chảy trong đôi mắt. Thấu hiểu được tâm tình ước vọng đó, như cha mẹ, Thiên Chúa mang đến đúng lúc cho con người nguồn an ủi thần thánh trong cơn sầu thảm đang gặp phải: „ Thiên Chúa sẽ lau sạch nước mắt trong đôi mắt họ." ( KH 7,17).

Trong nghệ thuật thời Trung Cổ ( thời Barock) có hình ảnh về Thiên Chúa có Ba ngôi được vẽ diễn tả bằng hình tượng một hình tam gíac có „ con mắt Thiên Chúa“ ở giữa chỉ về Thiên Chúa Cha. Hình ảnh „con mắt thần thánh„ này muốn diễn tả sự lo lắng gìn giữ của Thiên Chúa luôn hằng quan tâm săn sóc đến con người, đền công trình sáng tạo trong thiên nhiên, giống như của cha mẹ cho con cái mình.

Còn có hình vẽ tạc con mắt trong bàn tay Thiên Chúa nữa. Hình ảnh này muốn diễn tả sự khôn ngoan do Thiên Chúa tạo dựng ban cho.

Rồi cũng có hình ảnh con mắt vẽ trên đôi cánh của Thiên Thần Kerubim và Thiên Thần Seraphim. Hình ảnh này muốn diễn tả khả năng hiểu biết sinh động (bay) xuyên suốt như cánh các Thiên Thần.

Trước hết và trên hết „ con mắt tâm hồn “ nhìn thấu sự vật hình thể mầu sắc rõ hơn. Vì thế Saint - Exupéry trong tiểu thuyết ngụ ngôn Cậu Hoàng tử nhỏ đã thốt lên „ chỉ với trái tim nhìn tốt đẹp hơn“.

Giống như đôi mắt Tiên Tri Simeon đã không chỉ nhìn thấy thân xác hình hài trẻ Giêsu, nhưng còn ra nhận ra điều sâu xa hơn: ân đức cứu độ của Thiên Chúa hiện thân nơi trẻ Giêsu:
„ Chính mắt con được thấy ơn cứu độ, Chúa đã dành sẵn cho muôn dân: Đó là ánh sáng soi đường cho muôn dân“ ( Lc 2,31-32)

Trong khi chữa mắt

Chúa Giêsu trên bước đường rao giảng tình yêu Thiên Chúa đã ra tay làm phép lạ chữa cho người mù, trả lại cho anh ta nhân vị làm người thoát ra khỏi cảnh tối tăm, có đôi con mắt sáng trở lại nhìn thu nhận ánh sáng, cảnh vật, con người cùng diễn tả được tình tự của mình ra bên ngoài qua đôi con mắt ( Ga 6,1-9).

Khi chữa cho anh ta Chúa Giêsu dùng nước bọt và đất.

Nước bọt nhắc nhớ đến hình ảnh người mẹ nào cũng thường lấy nước bọt xoa trên chỗ đau của con mình. Nước bọt yêu thương tình mẫu tử có sức mang đến sự an ủi vỗ về cho người con đang kêu la vì đau đớn được dịu bớt khỏi đau.

Chúa Giêsu cũng dùng nước bọt chan chứa tình yêu thương như của người mẹ, mang đến sự xoa dịu chữa lành cho con mắt mù lòa của anh ta.

Rồi Ngài lấy bùn đất đã pha trộn với nước bọt xoa trên đôi mắt mù. Với cách thế đó, Chúa Giêsu, Đấng ở giữa con người trên mặt đất, muốn nói: Xin đừng quên từ bụi đất con người được tạo thành. Vì thế phải sống có lòng khiêm nhượng kính trọng đất, kính trọng con người cùng nhu cầu đời sống của họ trên mặt đất.

************

Trong dân gian chúng ta thường ca ví “ thứ nhất đau mắt, thứ nhì nhức răng”. Vậy phải chăng bệnh tật đau nơi con mắt hay bị mù lòa không thấy ánh sáng đường đi là đau khổ không chỉ riêng cho thân xác, nhưng tối tăm còn lan tỏa vào tận trái tim tâm hồn con người nữa?

Lm. Nguyễn Ngọc Long

Đức Quốc

Mục lục

 

Người tôi trung đau khổ


Hìanh ảnh người tôi trung đau khổ của Isaia trong mùa chay thường lại rõ nét lên theo từng ngày diễn tiến của bốn mươi ngày chay thánh. Chúa Giêsu được giới thiệu là người tôi trung đau khổ của Thiên Chúa theo cách Thánh Phaolô Tông Đồ diễn tả:


“Đức Giê-su Ki-tô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu. Như vậy, khi vừa nghe danh thánh Giê-su, cả trên trời dưới đất và trong nơi âm phủ, muôn vật phải bái quỳ; và để tôn vinh Thiên Chúa Cha, mọi loài phải mở miệng tuyên xưng rằng: "Đức Giê-su Ki-tô là Chúa". (Pl 2, 6 – 11).


Vinh quang và danh dự thuộc về những người trung tín. Bỏ cái bã của đời nay mà học theo gương của Chúa Giêsu, cũng như bắt chước các tiền nhân mà sống để được tôn vinh xứng đáng.


Danh dự là một phần quan trọng của con người, với danh dự ấy con người kết ước đoan nguyện một lời thề. Khi con người bán rẻ danh dự cũng xem thường một lời thề. Hiệu quả của việc giữ gìn và thực hiện lời thề là bảo đảm cho con người một danh dự và cũng bảo đảm cho con người chữ tín, “một sự bất trung, vạn sự bất tín”.


Trong các nghi thức nhậm chức của các vị lãnh đạo đều có nghi thức tuyên thệ để bắt đầu cho việc phụng sự dân. Trong cuộc đời của người bình dân, ít ra cũng có một lần cam kết lời thề với chính mình để “thân này khỏi hư” [1].


Lời thề mang tính chất liên đới với mọi người.


Xưa kia việc nhờ thần linh chứng giám hay can thiệp vào những sự kiện đời thường là một điều bình thường. Nhưng đưa vào sự kiện của một quốc gia và lập thành một nghi thức trọng thể của vua quan trước dân thì điều ấy thật hiếm hoi. Thời nhà Lý, nghi thức ấy đã khởi đầu và được ghi chép trong sử sách để ngàn năm trông theo.


Hội Thề lần đầu tiên mang tính chất quốc gia được tổ chức tại Đền Thờ núi Đồng Cổ. Người xưa tin rằng tại núi này có vị thần linh đã từng giúp vua Lý Thái Tổ (1010 – 1028) đánh thắng quân Chiêm năm 1020; vị thần đã mộng báo cho Lý Thái Tông loạn tam vương, (tức là việc Vũ Đức Vương, Đông chính Vương và Dực thánh vương giành ngôi vua với thái tử Lý Phật Mã vào tháng 2 - 1027). Hội thề Đồng Cổ được tổ chức khá đều trong triêu Lý. Đến thời Trần, năm Đinh Hợi, Trần Thái Tông ra các khoản minh thệ cho nội dung lời thề. Đại Việt sử ký toàn thư chép lại như sau:


“Hằng năm, vào ngày mùng 4 tháng 4, tể tướng và trăm quan đến chực ở ngoài cửa thành từ lúc gà gáy, đến tờ mờ sáng thì tiến vào triêu. Vua ngự ở cửa Hữu Lang điện Đại Minh, trăm quan mặc nhung phục, lạy hai lạy rồi lui ra. Ai nấy đứng thành đội ngũ, sắp nghi trượng mà theo hầu ra cửa Tây Thành, vào đền thờ núi Đồng Cổ, họp nhau uống máu ăn thề. Quan trung thư kiểm chính tuyên đọc lời thề rằng: “làm tôi tận trung, làm quan trong sạch, ai trái lời thề này xin thần minh giết chết”. Đọc xong, tể tướng sai đóng cửa để điểm danh, người vắng mặt phải phải năm quan tiền. Ngày hôm ấy, trai gái bốn phương đứng chật ních bên đường để xem như một ngày hội lớn” [2].


Nội dung lời thề được minh định theo sử chép đơn giản nhưng lại chính yếu. Làm tôi thì tận trung, làm quan thì trong sạch, cả hai điều thề này bổ túc cho nhau làm nên một khối, bảo toàn cho tương lai một quốc gia. Quan không trong sạch mà tôi trung là bóc lột, tham nhũng, dẫn đến tiêu vong. Quan trong sạch mà dân bất trung là điều hiếm có, nếu có cũng dễ nhổ tận gốc bởi được lòng dân, nhiều người vẫn tận trung.

Quan trong sạch thì không sợ thiếu tôi trung. Thời Trần có Yết Kiêu, Dã Tượng, tuy mang thân thế của hàng nô dịch, chính tên cũng mang nghĩa của loài cầm thú, (Yết Kiêu là chó ngắn mõm, Dã tượng là loài voi rừng), song trước giáo quân thù không vì thế mà bội phản.


Là người, dù ở phận nào mà cũng giữ nguyên lời thề, thì công ấy bao giờ cũng được ghi chép. Yết Kiêu và Dã Tượng vì đại nghĩa cứu quốc sao lại chẳng ngang hàng với anh hùng hào kiệt. Chính Hưng Đạo Vương Trần Quốc Tuấn cũng nhìn nhận, khi thấy Yết kiêu còn đợi mình trên chiến thuyền, dù giặc tả hữu có thể giết chết: “chim Hồng Hộc muốn bay cao phải nhờ sáu trụ xương cánh. Nếu không có sáu trụ xương cánh ấy thì cũng chỉ như chim thường vậy thôi”.


Lời thề bảo đảm danh dự của một con người khi chung thuỷ với lời thề ấy. Người càng chức trọng cao, Lời thề lại càng mang tính nghiêm trọng, ảnh hưởng trên nhiều người, chi phối nhiều hoạt động, nên trọng trách giữ lời thề lại càng cao. Trong phim “người nhện” của hãng phim HollyWood, có một câu nói đáng ghi nhớ: “Người nào có quyền lực cao nhất, người ấy phải có trách nhiệm lớn nhất”. Xưa và nay, cách nhau gần ngàn năm, khác nhau giữa Đông và Tây, có khác gì đâu một đoan thề, một đời trung, một đời trong.

Lời thề - Danh dự của người Kitô hữu.


Lời thề quan trọng đến nỗi Thánh Vịnh 14 viết: “lỡ thề mà bị thiệt, cương quyết chẳng rút lời” [3]. Lời thề này mới chỉ mang tính chất cá nhân với một cá nhân thôi, đã chẳng dám bỏ qua, huống chi với một lời cam kết long trọng trước cộng đoàn. Do đó để lời thề được giữ trọn, cần có một ý thức đầy đủ về điều cam kết.

Cam kết đầu tiên của người Kitô hữu, được ghi bằng ấn tín trong Thánh Thần và Nước qua Bí tích rửa tội. Cam kết ấy là một lời thề mang tính linh thiêng suốt cuộc đời người Kitô hữu.


Khi rửa tội cho trẻ nhỏ chưa ý thức điều mình cam kết, Giáo Hội đòi cha mẹ và người đỡ đầu phải đảm nhiệm trách nhiệm: “khi xin phép rửa tội cho con cái, ông bà (anh chị) lĩnh nhận trách nhiệm giáo dục các em trong Đức Tin, để các em tuân giữ các giới răn Chúa là mến Chúa yêu người như Chúa Kitô đã dạy. Ông bà (anh, chị) có ý thức điều đó không?” [4].


Như vậy, bổn phận đầu tiên của mọi người Kitô hữu là đào sâu đức tin của mình đã lãnh nhận trong Bí Tích Rửa Tội. Với tuổi đời lớn dần theo năm tháng, đứa trẻ cần nhiều học hỏi về niềm tin từ trong gia đình rồi mới đến Giáo Xứ. Cha và mẹ, người đỡ đầu đã hứa giáo dục con em của mình trong đức tin, hãy sống với lời cam kết ấy.


Đối với những người lớn tuổi, đầy đủ ý thức để lựa chọn, Giáo Hội hỏi qua đời sống thực hành niềm tin của chính họ, để đi tới một cam kết.


Có những cam kết để đi vào cụ thể hơn nữa, trong đời sống hôn nhân hay trong đời sống tu trì, mỗi lời cam kết có một lựa chọn cụ thể để dấn thân đi xa hơn nữa trong ơn gọi Kitô hữu của mình. cam kết để dấn thân, thiếu điều cam kết sẽ thiếu đời sống dấn thân, không thể là dấn thân khi không có điều cam kết cụ thể. Người Kitô hữu bậc nào cũng có lời cam kết căn bản của Bí tích rửa tội. Chính trong những điều tuân giữ này họ được gọi là người Kitô hữu và sống niềm tin của mình.


Lời thề hứa mang tính liên đới:


Sự liên đới giữa con người với con người mỗi ngày trở nên chặt chẽ hơn, và dần dần lan rộng hơn. Vì thế, việc tuân giữ lời hứa của người này không những chỉ ảnh hưởng đối với mình nhưng còn liên quan công ích với người khác. Bởi đó, một người cam kết trong đời sống hôn nhân hay đời sống tu trì không chỉ liên quan đến chính họ, nhưng còn cam kết trước cộng đoàn và mưu ích cho cộng đoàn. Mỗi người khi cam kết đều lãnh nhận một trọng trách làm cho môi trường nhân sinh này trở nên yêu thương hơn, công bình và bác ái yêu thương hơn. Không vì lý do gì tách mình ra khỏi cộng đoàn và bội phản với lời hứa. Chúng ta đang ở trong một nguy cơ dễ đổ gãy lời hứa hôn nhân cũng như tu trì, dễ bội phản với những gì mình đã chọn lựa cam kết. Trong lời hứa, hãy nhớ đến sự liên đới để bền vữngthuỷ chung. Trên đời có gì đáng chê hơn là bội phản với lời hứa?


Thời nhà Lý và nhà Trần được thái bình khi có tôi trung, quan trong sạch, thiếu hai điều này nhà nào cũng sụp đổ, triều đại nào cũng tan rã. Thế nên, mỗi người nếu biết chỗ đứng của mình mà giữ lời hứa ắt hẳn rằng thái hoà sẽ ngự trị và môi trường sự sống sẽ phát triển cho con người được sống.

 

Vinh quang của Thiên Chúa chiếu toả trên những người công chính và trung tín trong mọi việc mình làm.

Chú thích:


[1] Chu Hy


[2] Đại Việt Sử Ký toàn thư, bàn kỉ, quyển 5, tờ 4b.


[3] Tv 14, 4.


[4] Sách Các Phép, Tịnh văn Căn, TGM Hà Nội, 1983.

 

Lm Giuse Hoàng Kim Toan

Mục lục

 

 

GHEN TỊ

 

Câu truyện đời thường

Có một nhà buôn rất sùng đạo. Dù hoàn cảnh cuộc sống vất vả thế nào thì cũng không bỏ việc cúng vái thần thánh. Lời khẩn cầu vang lên tới trời, và thần tiên xuất hiện và ban cho ông ta những điều ước. Ông có thể xin cho mình, cho gia đình, cho hàng xóm hay cho đồng nghiệp đều được. Ông vui mừng, nhưng rồi lại buồn, vì nếu:

- Bây giờ mình xin một chiếc xe thì sợ tiên lại cho họ hai chiếc.

- Xin một căn nhà thì sợ họ được hai căn.

- Xin 1 tỷ thì hàng xóm được 2 tỷ.

- Xin cho được một người vợ đẹp, hiền, dịu dàng thì bạn bè lại được hai vợ.

- Và cứ thế, ông đưa ra đủ thứ ước muốn, nhưng lại không chọn gì cả, vì sợ mình được một thì người khác được hai.

- Cuối cùng ông quyết định: xin thần tiên cho con bị mù một mắt. Vì ông nghĩ nếu mình bị mù một thì người khác sẽ bị mù hai con mắt.

Vì ghen tị mà nhiều người muốn mình được hơn người khác về mọi mặt tốt, nhưng lại muốn người khác gặp thật nhiều rủi ro, bất hạnh.

Vì ghen tị mà con người tìm cách đẩy trách nhiệm cho người khác, còn mình ở ngoài cuộc.

Vì ghen tị mà con người có thể dùng mọi cách để làm lại, tàn sát lẫn nhau. Miễn là mình có lợi.

Vì ghen tị mà hiệp nhất biến mất, chia rẽ xuất hiện, bất hạnh ập tới.

Vì ghen tị mà nảy sinh bè phái, tranh chấp, chống đối, rồi trở nên mù loà về chân lý và sự thật.

Tính ghen tị biểu lộ thái độ ích kỷ cá nhân, biểu lộ sự tham lam : tiền bạc, lợi lộc, danh dự, uy tín… mà đem lòng ước muốn chiếm đoạt, làm hại, dù đó là anh em mình.

Câu truyện Lời Chúa

Câu truyện Cựu Ước. Khi Đavít đánh thắng quân Phiitinh trở về, nhiều người chúc mừng, tung hô, ca hát, nhảy múa: "Vua Saun hạ được hàng ngàn, ông Đavít hàng vạn" (1Sm 18,6).

Vua ghen tị rồi tức giận vì : "Người ta cho Đavít hàng vạn, còn ta thì họ cho hàng ngàn. Nó chỉ còn thiếu ngôi vua nữa thôi” (1Sm 18, 8).

Thế rối ông bàn với triều thần ý định giết Đavít. Đavít được Giônathan, con vua báo cho biết ý định của cha mình. Rồi Giônathan can ngăn cha đừng đổ máu người vô tội, nhờ bàn tay Đức Chúa mà ta mới thắng được quân Philitinh. Nhà vua nghe theo lời khuyên của con, nhưng lòng ghen tị thì vẫn còn.

Thời gian sau, Đavít lại đánh thắng quân Philitinh, vua ghen tị và đã phóng cây ghim vào Đavít lúc đang gảy đàn, nhưng ông né được. Và ngay đêm hôm đó, Đavít phải trốn đi nơi khác.

Ghen tị về lợi lộc, danh tiếng, quyền chức mà Saun sẵn sàng tàn sát Đavít, người hết mình phục vụ cho nhà vua.

Câu truyện Tân Ước. Thánh Phaolô tông đồ đã lên tiếng với giáo đoàn Côrintô, vì trong cộng đoàn này đã có những đố kỵ, chia rẽ, bé phái, không hiệp nhất : “Trong anh em có những luận điệu như : Tôi thuộc về ông Phaolô, tôi thuộc về ông Apôlô, tôi thuộc về ông Kêpha, tôi thuộc về Đức Kitô. Thế ra Đức Kitô đã bị chia năm xẻ bảy rồi ư ?(1Cr 10,12-13).

Sự phân chia phe nhóm trong cộng đoàn một phần là do các sở thích và tình cảm cá nhân quá nặng, từ đó sinh ra ghen tị. Tôi thích người này, ghét người kia. Tôi theo người này, chống người nọ.

. Một số thấy Phaolô là con người cương trực, ăn nói ngay thẳng nên phục rồi quý mến và đi theo. Số khác thì không thích tính tình cương trực, thẳng thắn của ông, nên chạy theo Phêrô.

. Một số theo Phêrô, vì ông vừa là thủ lãnh, vừa dễ dãi, “sao cũng được". Thơ Galat diễn tả : khi vắng mặt các thành viên Do thái trong cộng đoàn thánh Giacôbê, Phêrô đã ngồi ăn chung, uống chung với dân ngoại, nhưng khi thấy họ đến thì ông lại tránh đi. Một lần kia Phaolô đã trách Phêrô trước mặt mọi người. Có lẽ vì Phêrô dễ dãi như thế nên nhiều người thích và đi theo ủng hộ.

. Một số khác lại thích Apôllô. Ông này ăn nói lưu loát, có khả năng diễn thuyết hùng hồn, biện luận hay, sắc bén để chứng minh về Chúa Giêsu Kitô. Nên nên họ thích nghe hơn, và rồi cái gì Apôllô nói điều gì cũng đúng, cũng hay.

Khi đã thương ai, mến ai thì cái gì cũng tốt, cũng đúng, và tìm cách thu gom, chiếm đoạt phần tốt về cho mình, nhóm của mình, người của mình.

Những khuynh hướng nặng về tình cảm cá nhân đã tạo nên chia rẽ trầm trọng trong cộng đồng Dân Chúa thời sơ khai, cũng như thời nay, đến nỗi Phaolô phải lên tiếng: "Nhân danh Đức Giêsu Kitô, tôi nài xin anh em hãy lo cho được đồng tâm hiệp ý với nhau. Đừng chia rẽ, nhưng hãy đoàn kết trong cùng một thần trí và một tâm tình" (1 Cr 1, 10).

Câu truyện Giáo xứ

Hình ảnh của Tân ước thời các tông đồ cũng có ở thời nay. Nhìn vào các xứ đạo, chắc chắn ít nhiều, với hình thức này hay hình thức khác cũng có những đố kỵ, ghen tị giữa người này với người khác; giữa hội đoàn này với hội đoàn khác.

Nào là ca đoàn, Giáo lý viên, Ban lễ sinh và các thứ hội đoàn các bà, các ông….. Nhóm thì theo cha sở, nhóm thì theo cha phó, nhóm khác theo thầy xứ, nhóm thì theo các sơ. Vì ghen tị mà gièm pha chỉ trích chống đối nhau. Ôi, thế là chia rẽ. Nhóm nào cũng đấu tranh tìm phần thắng, phần tốt về mình, còn phần xấu, phần trách nhiệm thì tìm cách đẩy cho nhóm khác. Giáo xứ trở nên lộn xộn, mất tình nghĩa.

Nếu phục vụ mà thiếu khiêm nhường thì những việc phục vụ của ta có thể trở thành đầu mối gây mất hiệp thông, là nguyên nhân gây ra chia rẽ. Vậy chẳng phải xưa, mà nay, vì thiếu khiêm tốn, vì ganh tị mà đã phanh thây thân thể mầu nhiệm của Chúa Kitô thành từng mảnh hay sao.

Hãy đồng tâm ý hiệp với nhau. Đừng vì sở thích, quan điểm, hay tình cảm cá nhân chi phối mà ủng hộ, hợp tác với người này người nọ hoặc chống đối, chê bai, lạnh lùng với người kia.

Đừng để ghen tương, đố kỵ chi phối lời nói, việc làm của ta, để rồi, từ ta, phát sinh nhiều phân rẽ, hận thù. Chúng ta hãy cùng nhau phục vụ Chúa Kitô.

Thánh Phaolô nói :  "Nhân danh Chúa Kitô, tôi nài xin anh em hãy liên kết trong cùng một thần trí và một tâm tình. Thần trí đó là thần trí yêu thương, và tâm tình đó là tâm tình khiêm hạ. Chớ ao ước những điều bất chính, khổ đau cho kẻ khác. Đừng muốn mình chột để người ta bị mù. Nhưng hãy cầu cho nhau những sự may lành. Hãy vui với người vui, vì điều đó đôi khi còn khó hơn khóc với người khóc. Hãy tạ ơn Thiên Chúa cho nhau. Và điều quan trọng là hãy hiệp nhất với nhau”.

Hiệp nhất chính là tinh thần và sứ mạng của của người môn đệ, của người có đức tin : Hiệp nhất con người với Thiên Chúa; hiệp nhất con người với con người; hiệp nhất những tâm hồn tan vỡ, để qua đó, tình yêu Thiên Chúa được biểu lộ, được tuôn trào đến khắp trần gian.

Khiêm nhường kiếm tìm hiệp nhất là cách giải thoát những tâm hồn bị ghen ghét thống trị, chế ngự.

Câu truyện gia đình

Trước bàn thờ là hình ảnh của những ngọn nến, những bông hồng rất đẹp. Vâng, nó đẹp và sáng. Nhưng nó sẽ trở nên vô giá trị khi, một hôm :

- Ngọn nến nói với bông hồng : ánh sáng của tôi sáng, lung linh, đẹp quá, phải như vậy thì mới có giá trị. Còn bạn thì làm sao được như tôi.

- Bông hồng lên tiếng : sắc hoa, hương hoa của tôi làm cho con người vui thích, chiêm ngắm. Nếu không có tôi thì bạn không đẹp, con người cũng chẳng có gì để thưởng thức. Tôi mới có giá trị.

Chúng đang tranh đua hơn thua, thì bỗng nhiên, ngọn nến đổ xuống, rơi vào những bông hồng. Kết quả là bông hồng bị lửa cháy rụi, còn nến thì cũng sớm tắt  luôn.

Cả hai cùng phục vụ bàn thờ, nhưng vì ghen tị nên cả hai đã tự huỷ diệt nhau.

Đoàn kết thì sống, chia rẽ thì chết. Gia đình cùng ngồi chung trên một chiếc thuyền, thuyền chìm thì cả nhà bị huỷ diệt.

Mỗi thành viên là một ngọn nến. Gia đình sẽ được sáng lên, ấm áp tình người.

Mỗi thành viên là một bông hoa. Gia đình sẽ ngát hương mùi thơm của nhân đức.

Mỗi thành viên là một hòn gạch. Gia đình sẽ dựng xây được mái nhà, và trở thành mái ấm chan hoà tình tương thân tương ái.

Nếu mỗi người chỉ lo tìm phần tốt về mình mà không chia sẻ với nhau thì gia đình sẽ bị huỷ diệt.

Ghen tị là liều thuốc độc giết hại đời ta, gia đình ta, cộng đoàn của ta.

 

Thanh Thanh

 

Mục lục

TÀI LIỆU TĨNH TÂM LINH MỤC GIÁO PHẬN NHA TRANG

BÀI II

TƯƠNG QUAN VỚI BẢN THÂN

 

Sau bài mở đầu có tính cách cương lĩnh cho cuộc tĩnh tâm, chúng ta chính thức bước vào đề tài thứ nhất : mối tương quan của chúng ta với bản thân. Trong bối cảnh năm giáo dục đức tin, thể theo tinh thần của thư chung, mọi sự phải bắt đầu bằng bản thân. Bản thân được xem là khởi điểm của mọi nền giáo dục. Người xưa thường nói "tri kỷ tri nhân bách chiến bách thắng". Tĩnh tâm là dịp chúng ta muốn đổi mới cuộc đời, chúng ta muốn phục vụ đắc lực hơn. Chúng ta chỉ có thể bắt đầu được một cái gì mới khi chúng ta nắm vững sự thật về chính mình. Chúa Giêsu hoàn toàn có lý khi tuyên bố "sự thật sẽ giải phóng anh em". Không biết mình đang ở đâu, đang trong tình trạng nào, không biết những thế lực nào đang xiềng xích con người mình, không thấy mình đang bị tệ nạn nào kiềm toả khống chế, chúng ta không thể nào thực hiện được cuộc giải phóng triệt để mà chúng ta hằng mong đợi mỗi lần chúng ta tĩnh tâm.
Hơn nữa, nếu cuộc sống linh mục chúng ta đan kín bằng những mối quan hệ, những mối quan hệ đó sẽ trở thành mơ hồ tối tăm nếu chính bản thân chúng ta không đủ trong sáng. Con người là thước đo vạn vật. Thước không chuẩn thì đo cái gì cũng sai. Nếu chúng ta sai lầm về chính bản thân chúng ta, mọi quan hệ còn lại đương nhiên cũng bị lệch lạc méo mó theo. Linh tại ngã bất linh tại ngã là vậy.
Ơn mà chúng ta cần xin trong giờ suy niệm này là phát hiện được con người thật của mình với tất cả những tật nguyền của nó. Nhờ biết mình cách chính xác, chúng ta hy vọng tìm được những biện pháp cụ thể để cải thiện đời sống. Nói một cách cụ thể hơn mỗi lần chúng ta tĩnh tâm, đặc biệt là tĩnh tâm thường niên, chúng ta muốn được một lần xưng tội sốt sắng để làm lại tất cả. Ðề tài này phần nào gợi ý cho chúng ta có một cái nhìn thấu đáo hơn về hiện tình tâm hồn chúng ta.


1. CẦN THIẾT PHẢI PHẢN TỈNH


Thật ra khái niệm tương quan với bản thân là một khái niệm triết học, theo đó, vì có khả năng "phản tỉnh", con người có thể lấy chính mình làm đối tượng tư duy.


Các nhà khoa học cho biết cứ 7 năm, toàn bộ tế bào của con người thay đổi một lần. Chính nhờ sự thay đổi đó mà sự sống luôn luôn mới mẻ từ khi con người là một bào thai cho đến khi nó trưởng thành. Sự sống sẽ ngưng lại nếu không có thay đổi trong cấu tạo thể lý.


Về tinh thần cũng thế, trong mỗi chúng ta luôn luôn có hai cái "ngã". Một cái "đang là" và một cái "phải là". Cần phải biết cặn kẽ về cái "đang là" chúng ta mới biết mình phải sống thế nào để xây dựng vun đắp cái "phải là". Con người chúng ta luôn luôn là một công trình dang dở. Chúng ta có một phẩm giá phải kiện toàn. Ðiều đó chỉ khả thi khi chúng ta luôn luôn cảnh giác về những bất toàn của chúng ta. Số 33 Thư chung HÐGMVN về giáo dục viết rằng : "Phẩm giá Kitô hữu luôn là những bài học suốt đời còn tiếp tục, vì tín hữu mãi là khách hành hương. Phẩm giá ấy đang hình thành và sẽ chỉ thành toàn vào ngày cánh chung".
Có nghĩa là từ đây đến ngày cánh chung, từ đây đến cuối đời, chúng ta phải không ngừng phấn đấu để kiện toàn con người của chúng ta. Thật ra, đó chỉ là một cách diễn tả khác về khái niệm hoán cải được đề cập đến trong Thánh Kinh. Hoán cải có nghĩa là nhìn lại mình để phát hiện tình trạng bất cập và từ đó tái thiết cuộc đời trên một cơ sở mới. Trong Giáo Hội có nhiều phương pháp tĩnh tâm khác nhau nhưng phương pháp nào cũng bắt đầu bằng việc hoán cải. Cả Gioan tiền hô lẫn Chúa Giêsu đều kêu gọi hoán cải trong bài giảng đầu tiên. Lý do là vì chỉ có hoán cải mới giúp chúng ta tiến bộ. Chỉ có hoán cải mới tạo được một sức sống mới. Có nghĩa là chúng ta phải thực hiện hoán cải suốt đời chúng ta.
Hoán cải còn là điều chúng ta thực hiện thường xuyên suốt cuộc đời chúng ta. Trước mỗi thánh lễ, linh mục chúng ta đều kêu gọi giáo dân hoán cải. Câu hỏi mà chúng ta cần đặt ra là chúng ta là những người dạy người giáo dân hoán cải, kêu gọi giáo dân hoán cải, nhưng chính chúng ta lại không thực sự hoán cải. Có một đêm, có một người say rượu đến nhà xứ và chu chéo lên rằng : thưa cha con là một thằng quỷ, con là một thằng già mất nết, càng già càng mất nết.


Thật đáng bàng hoàng nếu một lúc nào đó vắt tay lên trán nhìn lại con người cũ chúng cũng phải than phiền về mình giống như anh chàng say rượu trên đây.

 

2. VỀ VỚI CĂN TÍNH LINH MỤC


Tại sao chúng ta phải hoán cải thường xuyên ? Câu hỏi đòi chúng ta phải đặt ra vấn đề căn tính linh mục. Hoán cải có nghĩa là quy chiếu về căn tính đó để chúng ta kiểm tra lại lòng trung thành. "Kim chỉ nam cho thừa tác vụ và đời sống linh mục" ở số 2 định nghĩa rằng : "Do Bí Tích truyền chức, được thể hiện thông qua việc đặt tay và kinh thánh hiến của giám mục, phát sinh nơi con người linh mục một mối dây hữu thể đặc thù nối kết linh mục với Ðức Kitô là linh mục tối cao và là Ðấng chăn chiên lành".
Từ ngữ quan trọng nhất trong trích đoạn trên đây là từ ngữ "hữu thể". Có nghĩa là ấn tích truyền chức biến chúng ta thành một tạo vật mới do tương quan với Ðức Kitô. Nói theo ngôn từ của Aristote thì mối quan hệ giữa linh mục và Chúa Kitô có tính cách bản thể chứ không phải là tùy thể. Trong thực tế, để hoán cải, để xét mình, để tìm lại chính mình, chúng ta cần xét xem ơn linh mục đã trở thành bản chất của chúng ta chưa, hay chúng ta xem và sống căn tính linh mục như một tùy thể.


Ðể đi sâu hơn, chúng ta có thể mượn hai khái niệm của triết gia Gabriel Marcel. "Có" (avoir) và "là" (être). "Là" diễn tả một cái gì thuộc bản thể, "có" là cái gì chúng ta sở hữu. Bản thể đi đôi với sự tồn tại, sở hữu có thể nay còn mai mất. Nhiều khi chúng ta không cố ý nhưng chúng ta sống tựa hồ như ơn bí tích thánh chức chỉ là những gì chúng ta sở hữu. Có khi chúng ta tạm cất đâu đó và chỉ sống con người hoang dã chưa thụ phong. Một cách nào đó chúng ta vẫn xem tư cách linh mục như một thứ nghề nghiệp. Và như vậy, chúng ta lấy bản thể làm tùy thể, chúng ta lấy phụ làm chính. Chúng ta đã đảo đảo lộn giá trị hữu thể.


3. GIẢI PHÓNG BẢN THÂN.


Xu hướng triết học có ưu thế nhất trong thời cận đại ở phương Tây, đó là hiện tượng luận. Hiện tượng luận cho rằng muốn tri thức chính xác về vạn vật, trước hết cần phải trả lại tự do cho tư duy, nghĩa là phải giải phóng tư duy khỏi mọi thứ ảnh hưởng chi phối nó, chẳng hạn như văn hoá, giáo dục, thành kiến, những cái người ta vẫn gọi là "nếp suy nghĩ", có thể chi phối hoạt động của trí năng.
Chúng ta có thể lấy một ví dụ y học để minh hoạ. Ở Âu Châu, các bác sĩ thường yêu cầu bệnh nhân phải trút bỏ hết quần áo trước khi khám bệnh. Ðối với người VN chúng ta thì rất ngượng nhưng đối với người Tây Phương, đó là việc đương nhiên, là chuyện bình thường. Nhưng xét cho cùng, điều đó hoàn toàn hợp lý, bởi vì có như vậy việc chẩn bệnh mới đạt độ chính xác cao.


Trong đời sống thiêng liêng của chúng ta cũng thế. Rất nhiều chuyện đang đè nặng không cho phép chúng ta thấy sự thật phải vươn tới. Nhiều thứ bóng tối đang bao phủ cuộc đời chúng ta nhưng có thể vì đã quá quen thuộc như quần áo nên chúng ta không còn cảm thấy nhu cầu trút bỏ. Có những căn bệnh trầm kha đang gậm nhắm đục khoét đời linh mục của chúng ta một cách nào đó mà chúng ta không thấy được tác hại của nó. Tất cả những thứ đó giống như những lớp bụi che phủ không cho chúng ta thấy ánh sáng bên ngoài chiếu vào, khiến chúng ta không còn cảm thấy nhu cầu đổi mới nữa...

 

Thánh Phêrô đã cảnh giác giáo đoàn của ngài rằng "Anh em hãy tiết độ và tỉnh thức vì ma quỉ thù địch của anh em như sư tử gầm thét lượn quanh tìm mồi cắn xé. Anh em hãy đứng vững trong đức tin mà chống cự". Ðiều đáng sợ nhất là chúng ta không cảnh giác mà ma quỉ vẫn thường xuyên rình mò và hoạt động liên lỉ. Chúng ta không hề hay biết âm mưu của chúng, không có cảm giác bị chúng xâm chiếm.
Lúc còn nhỏ, tôi rất sợ tấm ảnh chết lành chết dữ trong đó có thằng quỉ đen chùi chũi, có sừng, có đuôi cằm chiếc vải lót giường kéo người chết dữ xuống hỏa ngục. Tôi cũng nghe các soeurs dạy giáo lý giải thích rằng sở dĩ ta ngủ gục trong nhà thờ là vì có thằng quỉ ngồi trên đầu dùng hai chân đạp xuống mi mắt. Phải nhìn nhận rằng những lối diễn tả như thế cũng có hiệu quả sư phạm là giúp sợ tội nhờ hình ảnh gớm ghiếc về ma quỉ. Nhưng lớn lên, tôi thấy ma quỉ không xấu xí như thế. Chúng rất khôn khéo và có khả năng dụ dẫm ta lạc vào nhữmg thứ mê hồn trận của chúng cách rất êm ái.


Những tật xấu thâm căn cố đế, những thói quen bệnh hoạn, những mối quan hệ không trong sáng. nhiều khi được che dấu bởi những bức màn rất đẹp đẽ. Tĩnh tâm là dịp để chúng ta đưa ra ánh sáng tất cả sự thận ẩn dấu đàng sau những bức màn đó. Cần phải nhìn lại để phát hiện những gì thần dữ đang thực hiện cách khéo léo trong tâm hồn chúng ta.

 

Chúng ta thường có thói quen thực hiện những cuộc tĩnh tâm giống như một thủ tục, một bổn phận. Không làm thì thấy thiếu, nhưng trớ trêu là làm mãi đời cũng không có gì đổi thay.


Kết luận


Tất cả những suy nghĩ trên đây nhắm một mục đích cụ thể : qua cuộc tĩnh tâm này chúng ta phải điểm mặt được những bóng tối đang bao phủ đời linh mục chúng ta. Bí tích hoà giải đang chờ đợi chúng ta.

"Cẩm nang cho thừa tác vụ và đời sống linh mục" số 53 khuyên rằng : "Như bất kỳ giáo dân tốt lành nào khác, linh mục cũng cần xưng thú tội lỗi mình và những yếu đuối của mình. Người là người đầu tiên biết rằng viẹc thực hành bí tích này cũng cố đức tin và đức mến Chúa yêu người".


Chúc các cha có được một lần xứng tội thật như các cha vẫn dạy và vẫn mong muốn cho giáo dân làm khi họ đến với các cha trong toà giải tội.

 

+ ĐGM Giuse Nguyễn Chí Linh

 

Mục lục

 

TÌNH YÊU – HÔN NHÂN – GIA ĐÌNH

SỰ HIỆN DIỆN CỦA CHÚA TRONG HÔN NHÂN

 Linh đạo Kitô hay con đường nên thánh không phải là một cuộc tìm kiếm sự giác ngộ, những cảm nghiệm mới hay sự khôn ngoan, đúng hơn nó là một sự đeo đuổi và đáp trả với tiếng gọi của Thiên Chúa.

 

Tất cả các tác giả viết về linh đạo Kitô giáo trong quá khứ đều nhấn mạnh đến tầm quan trọng của ý thức về sự hiện diện của Chúa. Những ai đã tiến xa trong đời sống Kitô đều đã phát huy được một trí nhớ giúp họ luôn ý thức rằng, Chúa đang ở với họ, luôn sẳn sàng nói với họ những lời thách thức, cổ võ, khẳng định và nhất là yêu thương. Họ luôn luôn cảm nhận được rằng, Chúa không ngừng theo dỏi họ, săn sóc họ, lắng nghe họ.

 

Một tác giả về tu đức nổi tiếng của Pháp vào thế kỷ XVII là Đức Cha Francois Fenélou đã viết như sau: một qui luật chung để sử dụng thời giờ một cách tốt đẹp là hãy tập sống trong sự lệ thuộc không ngừng vào Thánh Thần Chúa, đón nhận trong mọi giây phút, bất cứ điều gì Ngài ban tặng cho chúng ta. Qui hướng về Ngài tức khắc, mỗi khi gặp nghi ngờ. Qui về Ngài khi gặp yếu đuối, kêu lên Ngài và nâng tâm hồn lên với Ngài mỗi khi trái tim bị trần thế lung lạc khỏi Thiên Chúa.

 

Cũng trong thế kỷ XVII, trong tác phẩm có tựa đề: “Tập Sống Trong Sự Hiện Diện Của Chúa”, một tác giả ký tên là thầy Laurent đã cảm nghiệm sự hiện diện của Chúa đến độ khẳng định rằng, mình cảm thấy gần gủi với Chúa khi gọt vỏ khoai cũng như lúc cầu nguyện trước bàn thờ. Vị tu sĩ này nói rằng, chúng ta phải đặt mình trong sự hiện diện của Chúa bằng cách nói chuyện không ngừng với Ngài.

 

Theo thầy Laurent, lúc khởi đầu sống trong sự hiện diện của Chúa là một kỷ luật đòi hỏi nhiều cố gắng, nhưng với thời gian khi con người đã tập được thói quen, điều ấy sẽ trở thành tự nhiên. Chính vì muốn luôn được sống trong sự hiện diện của Chúa mà đã có không biết bao nhiêu người vào ẩn mình trong các tu viện. Họ tin rằng, để hưởng nếm được niềm hoan lạc được sống trong sự hiện diện của Chúa cần phải cắt bỏ mọi vướng bận của kế sinh nhai, nhất là cuộc sống gia đình.

 

Thời xa xưa, cho dẫu các dòng tu đeo đuổi những linh đạo khác nhau, nhưng cuộc sống của các tu sĩ vẫn xoay quanh một mẩu số chung là”luôn tập sống trong sự hiện diện của Chúa”. Mỗi ngày đều được khởi đầu với sự cầu nguyện. Trong năm luôn có những thời gian để giử thinh lặng, và cộng đoàn luôn tạo ra một bầu khí cổ võ các tu sĩ có cuộc sống hướng thượng.

 

Những người sống bậc vợ chồng chắc chắn không thể khuôn rập theo một lối sống như thế. Phải chăng với những lo toan trăm bề cho cuộc sống gia đình, những người sống trong bậc hôn nhân không thể sống trong sự hiện diện của Chúa. Về phương diện này, cuộc sống gia đình phải có nhiều thách đố hơn cuộc sống thánh hiến. Nhưng phải chăng, những người sống bậc vợ chồng không phải luôn luôn sống trong sự hiện diện của Chúa.

 

Trong Cựu Ước có một hình ảnh kỳ diệu cho phép chúng ta khẳng định rằng, sống trong sự hiện diện của Chúa là điều có thể và phải thực thi được trong đời sống vợ chồng. Theo sách Xuất Hành đoạn 2, Hòm bia giao ước được thiết kế với hai tượng thần hộ giá bằng vàng. Gương mặt của hai vị thần nhìn nhau và đôi cánh cũng chạm vào nhau. Thiên Chúa phán với Môisen như sau: “Từ trên nắp giữa hai tượng thần hộ giá đặt hòn bia chính ước Ta sẽ gặp ngươi”.

 

Sự hiện diện của Thiên Chúa giữa hai tượng thần hộ giá là một hình ảnh rất quen thuộc trong Cựu Ước. Thời tiên tri Samuel, dân Do thái muốn kiệu hòm bia trở về, họ nói đến sự hiện diện của Thiên Chúa tối cao ngự giữa hai tượng thần hộ giá.

 

Tác giả Thánh vịnh số 80 cũng viết như sau: “Lạy Chúa là Đấng chăn dắt Israel. Chúa là Đấng ngự giữa hai thần hộ giá”. Ngôn sứ Isaia cũng sử dụng một hình ảnh khi thưa với Chúa: “Lạy Chúa Toàn Năng, Thiên Chúa của Israel, Đấng ngự giữa hai thần hộ giá”. Hình ảnh này cũng được tác giả của lá thơ gởi cho giáo đoàn Do thái mượn lại như sau: “Trên hòm bia là các thần vinh quang”.

 

Với hình ảnh trên đây chúng ta có thể nói rằng, Thiên Chúa hiện diện với chúng ta khi nào có hai người được liên kết với nhau. Thiên Chúa ngự đến khi nào con người ngồi lại với nhau. Đây quả là một hình ảnh đẹp. Đã một thời con người đi tìm Chúa trong nơi cô tịch, nhưng Kinh Thánh cũng nói với chúng ta rằng, con người có thể tìm kiếm Chúa trong các mối tương quan và trong cộng đoàn.

 

Trong Tin Mừng theo thánh Matthêu, Chúa Giêsu nói như sau: “Ta nói thật với các  ngươi, nếu có hai hoặc ba người trên mặt đất này họp nhau để xin bất cứ điều gì. Cha Ta trên trời sẽ ban cho họ. Bởi vì ở đâu có hai hoặc ba người họp lại nhân danh Ta thì có Ta ở giữa họ”.

 

 Cần phải ghi nhận rằng, Chúa Giêsu nhấn mạnh đến chữ “nhân danh Ta”. Đôi vợ chồng nào biết đặt sự hiện diện của Chúa Giêsu vào trọng tâm của sự kết hiệp của họ thì gia đình của họ là một gia đình hiệp nhất. Bởi vì, họ muốn mời Ngài đi vào cuộc sống thân mật nhất của họ. Họ không chỉ đến với nhau để tránh sự cô đơn hoặc để xoa dịu đòi hỏi sinh lý. Bên trên những lý do trên đây, họ kết hợp với nhau để sống và đào sâu niềm tin vào Thiên Chúa. Ngay cả khi bạn không đi vào đời sống hôn nhân với một mục đích ấy, bạn vẫn có thể quyết định duy trì hôn phối của bạn trên căn bản ấy. Ngày nào bạn quyết định như thế, bạn sẽ thấy rằng, hôn phối có thể là một con đường để Chúa hiện diện trong cuộc sống hằng ngày của bạn.

 

Hôn phối gợi lên cho chúng ta sự hiện diện của Chúa trong cuộc đời chúng ta. Hôn phối giúp chúng ta ý thức được hình ảnh của Chúa trong chúng ta và cho chúng ta được tham dự vào công cuộc sáng tạo của Ngài.

 

Mai Hương

Radio Veritas

Mục lục

 

 

NHÀ TÔI

Đọc Tin Mừng Chúa Giêsu Kitô theo Thánh Gioan 15,9-12

 

 Có người kia làm chủ một ngôi nhà to lớn nằm ở ngoại ô thành phố. Ông ta nhất định bán cả nhà và đất để đi tìm nơi khác tốt đẹp hơn. Ông mời một người chuyên nghề buôn nhà đất đến để lượng giá và làm quảng cáo hộ. Sau khi đã quan sát kỹ lưỡng mọi chi tiết, chuyên viên thương mại dịnh giá, viết ngay lời quảng cáo và đọc lại cho chủ nhà nghe. Nghe qua một lần, chủ nhà xin chuyên viên đọc lại lần nữa: "Cần bán nhanh căn nhà rộng rãi nhiều phòng, có vườn xung quanh, đẹp, nơi yên tĩnh, không bị ô nhiễm, nằm ngoại ô thành phố, thuận tiện đường giao thông, gần nhà trường, bệnh viện, nhà thờ …" Nghĩa là những điểm tốt, thuận lợi của ngôi nhà và vị trí đã được anh chuyên viên khéo léo đặt hết vào trong lời quảng cáo.

 

Nghe xong lần thứ hai lời quảng cáo, nét mặt chủ nhà tươi hẳn lên và quyết định: "Thôi, tôi không bán ngôi nhà này nữa, vì theo lời anh mô tả, đây là ngôi nhà lý tưởng mà tôi đã từng mơ ước. Lời quảng cáo của anh đã thức tỉnh tôi".

*

 

Vợ chồng Việt Nam thường gọi người bạn đời của mình bằng hai tiếng thân thương: "Nhà tôi". Một ông bạn đến hỏi: " Ông ấy có nhà không?" Bà vợ trả lời: "Dạ, nhà tôi mới ra ruộng". Bà bạn đến hỏi: "Bà ấy có nhà không?" Ông chồng đáp lại: "Mời bác vào xơi nước, nhà tôi đang ở dưới bếp".

 

Cái nhà là nhà của ta. Ta yêu quý nó. Ta chăm sóc nó. Ta bảo vệ nó. Nhưng nhiều khi ta cũng chán nó lắm. Nếu Chúa và Hội Thánh cho phép, có lẽ nhiều người cũng dám bán "nhà tôi" để tậu "nhà khác" lắm. Đó là cơn cám dỗ mà các gia đình chúng ta thường thích "đứng núi này trông núi nọ". Cơn cám dỗ này còn được chạy tội kiểu "cả vú lấp miệng em" để đổ lỗi cho người khác. Nhưng, nếu thành thật, chúng ta phải nhận rằng: những đổ vỡ và rạn nứt trong gia đình, phần lớn là do "lỗi tại tôi, lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng", chứ không phải lỗi tại ông hàng xóm … mọi đàng.

Vì thế, tạo cho gia đình bầu khí đạo đức, đầm ấm và tốt đẹp phải là nhiệm vụ hàng đầu của cả chồng lẫn vợ. Đặc biệt hôm nay, tôi muốn hướng ý về người vợ trẻ này và những bà vợ khác trong các gia đình.

*

Nếu muốn dùng một hình ảnh cụ thể hiện đại nhất, tôi có thể nói, người vợ trong gia đình chính là cái máy điều hoà không khí, điều chỉnh nhiệt độ trong từng gia đình. Thực vậy:

 

* Do bản tính vị tha, người phụ nữ hướng về người khác, thích chăm sóc đến những người thân yêu trong những việc tỉ mỉ với những tình cảm tinh tế nhất.

 

* Với một bản năng nhạy cảm, người phụ nữ có khả năng thuyết phục và cảm hoá cao hơn nam giới. Nhờ đó mà trước những sai lỗi của mọi người trong gia đình, họ có thái độ cư xử vừa mềm mỏng lại vừa có hiệu quả cao. Ngay từ khi còn nhỏ, các em gái thích trò chơi nội trợ, may vá, ru búp bê. Cũng vậy, người phụ nữ bình thường luôn cảm thấy thích thú khi làm xong một bữa ăn ngon, khi trang hoàng nhà cửa hay khi may vá cho chồng con. Chính những khả năng tốt đẹp ấy, người phụ nữ được phân công làm bà chủ nhà. Quán xuyến mọi việc trong nhà, dĩ nhiên với sự cộng tác của chồng, của con nữa.

 

* Đảm đang xưa nay vẫn là một đức tính đậc biệt của người phụ nữ: nhà cửa ngăn nắp sạch sẽ, bữa cơm nóng sốt và ngon miêng, con cái khoẻ mạnh và ngoan ngoãn vv… thường là kết quả bởi công lao của người vợ hơn là người chồng. Nhưng rất tiếc, nhiều bà vợ ra đường phố, thì nào là trang điểm phấn son, sửa tóc, chọn áo quần cho từng trường hợp, còn ở nhà với chồng với con thì bầy hầy, bừa bãi, bẩn thỉu, hôi hám kèm theo cái tật lèo nhèo, lẩm bẩm dai như đỉa đói, gắt như mắm tôm thối, v.v… làm cho gia đình không còn là một tổ ấm tình yêu nữa.

 

* Đặc biệt, người vợ khéo léo biết cách vun quén, "liệu cơm gấp mắm", có thể làm vơi đi mọi khó khăn, trắc trở trong sinh hoạt gia đình.

 

Khi bận việc, anh chồng sinh gắt gỏng, nóng nảy, cộc cằn thì chị vợ phải giúp anh dịu lại bằng thái độ trầm tĩnh và cử chỉ chân thành yêu thương. Có khi gặp những ông quen thói ngao du, lè phè ăn chơi để cho "việc nhà phó mặc con bu nó" (Tú Xương), thì với sự kiên nhẫn, bằng những lời lẽ hợp tình hợp lý trong những thời điểm thuận lợi, dần dần người vợ sẽ giúp cho chồng mình sửa lại thói quen xấu, để hình thành một nhận thức mới về luật phân công trong gia đình. Chính năng lực và phẩm chất của người vợ giúp cho người chồng khẳng định quyền bình đẳng nam nữ, chứ không phải luật pháp hay lý luận.

 

Khi người ta nói đến một gia đình hạnh phúc thật thì phải hiểu là ở trong đó, người vợ là người phụ nữ thông minh, nhân hậu, vị tha và đảm đang. Đó là nơi người chồng được an ủi chăm sóc, được trút bỏ mọi phiền muộn, được bồi duỡng sinh lực cho những hoạt động mới. Ở đó, những người con được đáp ứng mọi nhu cầu chính đáng về tinh thần lẫn vật chất, được bày tỏ mọi nguyện vọng hay mọi tâm tình sâu kín nhất. Và cũng ở đây, mọi người trong gia đình đều quý trọng và biết ơn một người vợ tốt và một bà mẹ hiền.

*

Những điều tôi vừa trình bày là những tiêu chuẩn lý tưởng, nhưng không là viễn tưởng hay ảo tưởng. Chúng ta đã biết, gia đình là một con đường đi về hạnh phúc, nên vẫn còn phải tiếp tục tiến bước. Muốn đạt đích điểm mong ước, mỗi người, đặc biệt người vợ, phải tự trau dồi bản thân luôn mãi, để không phải là lúc cầu xin lấy được người con yêu, mà là, xin cho con yêu được người con lấy. Vì thế, hãy tha thiết cầu xin ơn trợ giúp của Thiên Chúa qua lời cầu bầu của Mẹ Maria và Thánh Cả Giuse. Tôi cũng xin mọi người tham dự thánh lễ Hôn phối này cầu nguyện cho cuộc tình hôm nay từ khởi sự cho đến hoàn thành đều được ơn Chúa làm cho bền vững và tươi đẹp mãi, kể từ lời tuyên hứa bây giờ.

 

Lm. Bùi Văn Khiết Tâm

 

Mục lục

ĐỌC SÁCH

DẤU CHÂN CỦA THẦY

 

 

 

 (Lc 8,1-3)

 

Thầy kính mến,

 

Luca sử gia duy nhất cho biết ngoài nhóm 12, ngoài nhóm 72, Thầy còn có một nhóm phụ nữ nữa. Họ đồng hành với Thầy trên các tuyến truyền giáo. Có phụ nữ tháp tùng. Thế là có nhiều vấn đề khiến con phải suy gẫm.

 

1. Họ là ai? Họ là những người chịu ơn  Thầy. Ơn nghĩa đầy tràn, vô vàn vô số.

 

Maria Mácđala có người bảo rằng bà là người miền Galilê, quê chính xác của bà là làng Mácđala. Người khác lại bảo rằng bà là người phụ nữ tội lỗi đã khóc dưới chân Thầy trong nhà ông Simon. Có người khác nữa lại bảo rằng bà là Maria, em của Mátta quê ở Bêtania. Chính vì thế, có bà thánh Mátta, mà lại không có bà thánh Maria, người được Thầy cho điểm cao hơn Mátta: “Mátta, con lăng xăng nhiều việc quá. Chỉ có một việc cần thiết thôi Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị lấy đi (Lc 10,41-42). Nếu Maria Mácđala không phải là Maria em Mátta, thì việc quần chúng quên không phong thánh cho Maria em Mátta là một bất công không tha thứ được

 

Nhưng có một điều chắc chắn rằng Maria Mácđala là một người đàn bà hư đốn có tầm cỡ. Luca chẳng biết nói thế nào, đành phải nói rằng bà là người được bà là người được Thầy giải thoát khỏi bảy thằng quỷ lận. Như vậy bà là con “đi-ngã”, từng làm vợ khắp thiên hạ. Nhưng khôn lắm, bà chỉ “bật đèn xanh” cho khách đại gia thôi. Hư lắm. Nhưng cũng giàu lắm.

 

Quá khứ như thế, hiện tại như thế, chắc chẳng ai ưa bà đâu. Chính vì thế, sáng Chúa nhật Phục Sinh, bà chẳng giống ai. Cùng đi ra mộ với các người phụ nữ khác, nhưng te te đi trước: thấy mộ trống thì một mình le te chạy về, báo tin cho Phêrô và Gioan. Khi mọi người bỏ ngôi mộ trống mà về hết, thì bà ngồi lì trước mộ, khóc ti tỉ một mình, bất cần thiên hạ sự.

 

Bà Gioanna, vợ của ông Khuđa, quản lý của vua Hêrôđê. Người ta phỏng đoán rằng con trai của bà lâm bệnh nặng được Thầy chữa kiểu “remote”, viễn khiển. Chuyện này được kể bởi Gioan (Ga 4,46-54). Đúng không? Không biết. Nhưng chắc chắn bà Gioanna là một mạnh thường quân quan trọng của Thầy. Và cũng chắc chắn rằng nhờ bà mà vua Hêrôđê được biết hết mọi việc Thầy làm và mọi lời Thầy giảng (Lc 23,8; Lc 9,7-9; Mc 6,14-16; Mt 14,1-2).

 

Bà Xudanna là ai? Hỏi mà chẳng có ai trả lời. Con đoán mò bà là người đàn bà góa có đứa con trai độc nhất mà chết yểu, được Thầy cho sống lại ở Naim. Con nghĩ thế, vì nếu con là bà góa ấy, con sẽ biết ơn Thầy vô cùng vô tận, con sẽ quý mến Thầy hơn mọi người đàn ông trên đời, con sẽ làm bất cứ điều gì có ích cho sứ mạng của Thầy. Mà sứ mạng ấy của Thầy là loan báo Tin Mừng cho mọi nơi mọi chốn.

Và các bà khác nữa. Ai đó? Bao nhiêu? Không thể biết chắc được. Nhưng con đoán mò là con số ấy phải

đông hơn ba người đã được nêu danh. Trong số đó có thể có bà Maria mẹ của Giacôbê và Giôxê, bà Salômê … Họ đều là dân Galilê (Lc 23,49). Galilê của quê hương Thầy mài mại giống như “Bắc Kỳ” của quê hương con.

 

2. “Cùng đi với Người có mấy người phụ nữ” Luca bảo thế. Nhưng họ có cùng giảng với Thầy, cùng trị bệnh và trừ quỷ với Thầy không? Con nghĩ là không. Họ đi theo Thầy vì họ thích nghe Thầy giảng. Nghe bao nhiêu cũng không vừa. Họ còn đi theo Thầy để giữ sức khỏe cho Thầy nữa. Sự quan tâm của họ là rất đầy đủ. Đầy đủ quá đến mức độ thừa thãi. Thấy Thầy vất vả quá, họ chịu không nổi. Họ chăm sóc cho Thầy nhiều quá, Thầy cũng không chịu nổi. Oi tình người. Đẹp quá mà cũng buồn cười quá!

 

Họ không theo Thầy triền miên như nhóm 12. Họ chỉ tháp tùng Thầy từng chuyến và mỗi chuyến chỉ vài ba ngày thôi. Nhưng khi họ trở về gia đình thì họ lại mãi mê kể chuyện về Thầy. Không kể thì chịu không được. Tin Mừng được loan đi, có khi phải trả giá bằng mồ hôi, nước mắt và bằng máu đào. Nhưng có khi Tin Mừng được loan đi không những không khổ không khó, mà còn nhẹ nhàng, lẹ làng sung sướng đến độ can không nổi. Đó là trường hợp các phụ nữ thừa sai của Thầy. Tuyệt vời! Oi nhân tình thế thái! Buồn cười là thế! Tuyệt vời là vậy!

 

3. Họ giúp đỡ Thầy và các môn đệ.

 

Họ giúp Thầy. Giúp gì? Thầy chẳng cần gì hết. Chỉ cần cứu độ. Thầy chẳng thích gì cả. Chỉ thích thi hành ý của Chúa Cha. Nhưng Thầy vẫn chiều lòng các bà. Các bà không “cho phép” Thầy ăn mặc tuềnh toàng. Cái áo dài không có đường may, dệt liền từ trên xuống dưới (Ga 19,23) là bằng chứng của tình yêu tinh tế ấy. Như thế là “được yêu” hay “bị yêu”? Nếu có ai hỏi Thầy như thế, chắc Thầy sẽ trả lời gọn lỏn: “Chuyên nhỏ”. Chuyện to của Thầy là Tin Mừng cứu độ phải được loan đi đến tận cùng trái đất.

 

Các bà còn tài trợ quỹ truyền giáo. Có lúc quỹ ấy lớn lên hoảng hồn. Vào lúc cao điểm chiến dịch, con thiết tưởng Thầy phải chi mỗi ngày hơn một triệu đồng VN theo thời giá của quý 1 năm 2006. Đó là lúc nhóm 12, nhóm 72, nhóm phụ nữ gần một chục cùng lên đường. Gần một trăm miệng ăn. Ay là chưa kể nhiều người nghèo cần được giúp đỡ. Lịch sử truyền giáo muôn đời phải ghi công các bà phụ nữ của Thầy và của mọi thời.

 

Họ giúp các môn đệ. Đã giúp Thầy là đã giúp tất cả rồi, thì còn giúp các môn đệ làm chi nữa? Con tự hỏi như thế, vì con biết chắc nếu hỏi Thầy, thì Thầy sẽ làm bộ điếc không nghe. “Chuyện nhỏ mà”. Thầy không muốn nói ra, vì Thầy bao dung, quảng đại. Nhưng vì con xấu thói, nên con cứ nói toẹt ra. Con tin chắc như đinh đóng cột rằng: Các bà vẫn dấm dúi cho các ông tiền “cà phê cà pháo”; lâu lâu lại cho các ông nhậu một bữa, tủm tỉm dặn yêu: “Đừng méc Thầy nghen”. Chả cần méc, Thầy cũng biết. Biết thì Thầy cũng làm thinh – chỉ vì “Rượu mới mà đựng trong bầu da cũ, thì mất cả chì lẫn chài”. Tâm và ý của Thầy là như thế. Không muốn nuông nhưng đành phải nuông.

 

Họ giúp các môn đệ 

 

4. Thầy đi truyền đạo mà có phụ nữ đi theo, thì có làm ngứa mũi các ông kinh sư không? Có hay không thì Thầy cũng chẳng quan tâm. Thầy từ “Vĩnh hằng” mà đến trong “Thời gian”. Từ muôn thuở đàn ông là con trai của Chúa Cha toàn năng, đàn bà là con gái của Chúa Cha toàn ái. Mỗi đứa có “ơn gọi” riêng – nhưng cả hai đều là con yêu. Vậy thôi. Còn gì khác nữa thì chỉ là chuyện bịa đặt của “Thời gian”. Đã một lần Thầy ngồi nói chuyện với người phụ nữ thành Xika bên bờ giếng Giacóp. Môn đệ của Thầy sượng sượng. Kệ. Thầy chẳng cần thanh minh. “Thời gian” chẳng hiểu được “Vĩnh hằng”.

 

Thầy kính mến, có một điều con muốn hỏi Thầy: “Tại sao trong đoàn nữ thừa sai không có bóng dáng của Mẹ”. Thầy làm thinh. Con không dám hỏi nữa. Đành để đấy.

 

 

Lm. Piô NGÔ PHÚC HẬU

Mục lục